CPTPP: biểu hiện sự hội nhập quốc tế của Việt Nam ở trình độ mới

(VOV5) -Với vị thế là nước sáng lập CCTPP, Việt Nam đã đạt được rất nhiều mục đích.

Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương vừa chính thức được ký kết. Đây là cơ hội để 11 nước thành viên bao gồm cả Việt Nam thúc đẩy thương mại và phát triển đất nước. Việc đàm phán và ký kết CPTPP cho thấy một trình độ mới của Việt Nam trong hội nhập với khu vực và quốc tế.

CPTPP: biểu hiện sự hội nhập quốc tế của Việt Nam ở trình độ mới - ảnh 1Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh họp song phương với Ngoại trưởng Chile Heraldo Muños. 

Để được ký kết, Hiệp định CPTPP đã phải trải qua một quá trình đàm phán lâu dài và khó khăn. Việt Nam cùng một số quốc gia đã đóng góp một phần rất quan trọng trong quá trình này, đặc biệt trong thời điểm Hoa Kỳ rút khỏi TPP 12 và khi các nước đi đến đồng thuận tại Hội nghị Bộ trưởng TPP tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017 là sẽ ký kết Hiệp định CPTTP vào ngày 8/3/2018 tại Chi lê. Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào quyết định này.

CPTPP thể hiện Việt Nam chủ động hội nhập sâu rộng

CPTTP là Hiệp định Tự do thương mại thế hệ mới mà nhiều quốc gia phát triển đang tham gia, đồng thời nhiều quốc gia khác, trong đó có Mỹ, cũng bày tỏ mong muốn có thể sẽ tham gia khi nó vừa được ký kết. Việc Việt Nam sớm tham gia CPTTP với tư cách là quốc gia độc lập và có chủ quyền cao trong các hoạt động chính trị đối ngoại cũng như về kinh tế, thể hiện chính sách đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ thương mại cũng như về kinh tế nhằm bảo vệ độc lập chủ quyền của quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phân tích: "Trên thực tế chúng ta thấy rất rõ trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn biến phức tạp mặc dù dòng chảy chính của nó vẫn là tiếp tục tự do hóa thương mại và thuận lợi hóa thương mại nhưng đã có những dấu hiệu, biểu hiện rõ ràng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa biệt lập, cản trở và tác động không thuận lợi đến dòng chảy của toàn cầu hóa thì việc chúng ta thực thi một cách quyết tâm và nhất quán chủ trương chiến lược của Đảng, chính sách của Nhà nước trong hội nhập sâu và rộng, chắc chắn sẽ là cơ hội và đồng thời là công cụ, biện pháp để chúng ta thực hiện thành công chiến lược đối ngoại đó. Với những kinh nghiệm quý báu và thành quả chúng ta đạt được trong  mở cửa nền kinh tế, thực hiện chủ động hội nhập thì đây cũng là minh chứng rất rõ nét  để chúng ta có cơ sở, niềm tin cho chiến lược hội nhập sắp tới của chúng ta vẫn tiếp tục theo hướng chủ động hội nhập sâu và rộng".

CPTPP thể hiện trình độ hội nhập mới của Việt Nam

CPTPP cũng chính là biểu hiện của một trình độ mới của Việt Nam trong hội nhập với khu vực và quốc tế. Với vị thế là nước sáng lập CCTPP, Việt Nam đã đạt được rất nhiều mục đích. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phân tích: "Một là về chính trị đối ngoại chúng ta khẳng định là nước có vị thế ngày càng tăng trong các diễn đàn chính trị song phương đa phương ở khu vực cũng như quốc tế và đặc biệt về những lợi thế của chúng ta trong hội nhập như thế này, chúng ta đã khẳng định được vị thế chính trị địa vị của chúng ta trong sân chơi chung của toàn cầu. Thứ hai khi chúng ta hội nhập vào CPTPP, thì về mặt thể chế, chúng ta có những điều kiện để hoàn thiện một nhà nước pháp quyền của chúng ta và nền kinh tế mà năng lực cạnh tranh ngày càng cao dựa trên nền tảng của minh bạch hóa, công khai hóa cũng như thuận lợi hóa cho các hoạt động thương mại theo nguyên tắc kinh tế thị trường.

Về nguyên tắc,Việt Nam là 1 nước sáng lập CPTPP nên khi bất kì các nền kinh tế sau này khi muốn gia nhập hiệp định thì Việt Nam đều có những điều kiện bảo vệ cũng như tiếp tục tối đa hóa những lợi ích của mình. Điều quan trọng nhất là là CPTTP sẽ gắn với những lợi ích về kinh tế thương mại cùng các lợi ích mang tính chiến lược lâu dài về cải cách thể chế của Việt Nam. Những lợi ích thiết thực trước mắt mang lại cho các ngành kinh tế như là dệt may, da giày, chế biến thực phẩm thủy sản, nông sản đều là những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay.

Việt Nam sớm phát huy lợi thế CPTTP

Các quốc gia mong muốn cuối 2018, đầu năm 2019 thì Hiệp định CPTTP đi vào hiệu lực để thúc đẩy sự cải cách của mỗi quốc gia, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân có điều kiện thụ hưởng những thuận lợi và những cơ chế chính sách ưu đãi của Hiệp định này. Riêng đối với Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: "Chính phủ chỉ đạo sau khi ký kết CPTTP, việc đầu tiên cần làm là Bộ CôngThương phải xây dựng một chương trình hành động để báo cáo, trình quốc hội. Cùng với việc Quốc hội phê chuẩn hiệp định CPTPP thì chúng ta sẽ có chương trình hành động được chính phủ ban hành để xác định rõ những nội dung nhiệm vụ cần làm, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là phải rà soát pháp lý để thực hiện các cam kết hội nhập".

Việt Nam cũng sẽ tổ chức công bố và cung cấp thông tin đầy đủ và thực hiện các hoạt động tuyên truyền giới thiệu về Hiệp định CPTPP cho tất cả chủ thể hội nhập quốc tế, trong đó lưu ý vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức triển khai thực hiện cũng như vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận nội dung, những thách thức yêu cầu của Hiệp định CPTPP.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác