CPTPP cầu nối hội nhập kinh tế hai bờ Thái Bình Dương

(VOV5) - Hiệp định CPTPP được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo...

Ngày 30/12/2018, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực, tạo nên một khu vực thương mại tự do gồm 11 nước châu Mỹ, châu Á và châu Đại Dương. Sự kiện này là một bước tiến lớn, giúp các nền kinh tế  vượt qua những thách thức của chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy mạnh mẽ.

CPTPP cầu nối hội nhập kinh tế hai bờ Thái Bình Dương - ảnh 1 Ảnh: TTXVN

CPTPP là hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định chính thức được ký kết tại Santiago - Chile hồi tháng 3/2018. Hiệp định  giúp giảm rào cản thuế quan giữa các nước thành viên.

Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore là 6 quốc gia đầu tiên thông qua CPTPP để tạo điều kiện cho thỏa thuận này đi vào hiệu lực. Hiệp định sẽ có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019.

Những phát biểu lạc quan

Hiệp định CPTPP được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. Hiệp định sẽ tạo ra một trong những khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 500 triệu dân và tổng GDP khoảng 10.100 tỷ USD. Ngoại trưởng Chile Heraldo Muñoz từng khẳng định CPTPP mở ra nhiều thuận lợi cho việc tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, và tăng cường hợp tác giữa các nước trong khối. 

Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng nhận định CPTPP "là một trong những thỏa thuận toàn diện và tham vọng nhất" trong lịch sử gần đây của nước này. Thỏa thuận này giúp các doanh nghiệp Australia tăng trưởng và mỗi năm đóng góp tới hơn 11 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia vào năm 2030. 

Đối với New Zealand, CPTPP cũng sẽ đem lại khoảng 800 triệu USD đến 2,6 tỷ USD mỗi năm cho quốc gia này. Bộ trưởng phụ trách Tăng trưởng xuất khẩu và Thương David Parker khẳng định Hiệp định CPTPP là có lợi cho toàn bộ nền kinh tế và từng người dân New Zealand.

Trong khi đó, CPTPP cũng giúp các nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapo, Brunei và Việt Nam tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030. Trước đó, khi trình Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (2/11), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cho hay việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Rõ ràng CPTPP có hiệu lực không chỉ đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho các nước thành viên mà còn là “câu trả lời” cho “bài toán” chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang leo thang trên thế giới. Không chỉ vậy CPTPP chính thức có hiệu lực còn giúp duy trì tinh thần thương mại tự do cho đến nền khi thương mại toàn cầu trở lại trạng thái bình thường.

Sức hút với các nền kinh tế khác

Những lợi ích mà CPTPP mang lại đang tạo sức hút với các nền kinh tế khác. Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan đã cân nhắc khả năng gia nhập CPTPP. Colombia đã chính thức đề nghị mong muốn gia nhập CPTPP.  Hiệp định này cũng đang trở thành sức hút đối với Anh sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Theo giới chức Anh, cơ hội tham gia CPTPP là nền tảng cho quan hệ hợp tác kinh tế của quốc gia này.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, CPTPP càng cần được mở rộng, chào đón thêm các nước nhằm tăng cường tự do thương mại toàn cầu. 11 nước tham gia CPTPP sẽ bắt đầu bàn bạc về quy chế đối với thành viên mới ngay trong tháng 1 này. Nhật Bản sẽ tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu khi các quốc gia mới tham gia đàm phán gia nhập CPTPP.

Việc CPTPP chính thức có hiệu lực từ 30/12/2018 đã đánh dấu lần đầu tiên hình thành một khu vực mậu dịch tự do ở châu Á - Thái Bình Dương, trở thành một sân chơi mới của các nước lớn, các nền kinh tế phát triển, đang phát triển. Sự hình thành CPTPP cũng là một minh chứng cụ thể và động lực tiếp tục thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa, trở thành cầu nối hội nhập kinh tế 2 bờ châu Á – Thái Bình Dương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác