Dập tắt đại dịch Ebola cần chặng đường dài

(VOV5) - Những tia hy vọng mới về cuộc chiến chống đại dịch đã lóe lên khi vaccine Ebola VSV-EBOV đem lại những dấu hiệu khả quan.

Nỗ lực chống đại dịch Ebola của cộng đồng quốc tế đã xuất hiện những tia hy vọng mới khi một số quốc gia Tây Phi được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố thoát dịch và những lô vaccine thử nghiệm đầu tiên đã mang đến kết quả khả quan. Tuy nhiên, để chặn đứng nạn dịch này, thế giới cần thêm nhiều nguồn lực, cả về tài chính, nhân lực, và cuộc chiến chống lại virus chết người Ebola chắc chắn sẽ còn phải mất một chặng đường dài.

Dập tắt đại dịch Ebola cần chặng đường dài - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Theo thông báo mới nhất của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tính từ thời điểm phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên vào tháng 3/2014 đến nay, dịch Ebola đã làm hơn 4.500 người thiệt mạng và hiện tại số ca nhiễm bệnh ở cả khu vực Tây Phi đã vượt mốc 9.200 và lan ra cả các quốc gia khác. Tỷ lệ tử vong cũng gia tăng ở ba quốc gia “ổ dịch” là Liberia, Sierra Leone và Guine. Tại Mỹ gần đây đã phát hiện hai trường hợp dương tính với virus Ebola. Cả hai người này đều là nhân viên y tế và từng tham gia điều trị cho một bệnh nhân người Liberia đã qua đời do dịch Ebola tại bang Texas trước đó. Còn tại Tây Ban Nha, quốc gia đầu tiên ở Châu Âu cũng ghi nhận một trường hợp nhiễm Ebola và nước này cũng đang gấp rút kiểm tra các trường hợp nghi ngờ nhiễm Ebola mới.

Như vậy, cùng với sự gia tăng cả về số mắc và số tử vong tại một số quốc gia châu Phi, việc virus Ebola lan sang cả Mỹ và Tây Ban Nha đã đánh dấu việc lan truyền đáng lo ngại của đại dịch này ra ngoài lãnh thổ Tây Phi.

Những tín hiệu khả quan đầu tiên
Cũng lúc này, những tia hy vọng mới về cuộc chiến chống đại dịch đã lóe lên khi vaccine Ebola VSV-EBOV, do các nhà khoa học Canada chế tạo được thử nghiệm lâm sàng trên người, đã đem lại những dấu hiệu khả quan. Những lọ vaccine đầu tiên trong tổng số 800 lọ vaccine Ebola thử nghiệm của Canada này hiện đã được chuyển cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Geneva và hy vọng từ nay đến cuối năm, thế giới sẽ có vaccine Ebola để phòng chống căn bệnh này. Trong khi đó, một số quốc gia khác như Nga, Thái Lan cũng tuyên bố có thể sản xuất vaccine mới phòng chống Ebola trong vài tháng tới. Ngày 20/10, Nigeria đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố thoát dịch. Trước đó, Senegal cũng là quốc gia đầu tiên được lựa chọn do không có ca nhiễm mới trong vòng 42 ngày tính đến ngày 18/10. Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, sức khỏe của bệnh nhân đầu tiên lây nhiễm Ebola bên ngoài châu Phi tiếp tục được cải thiện. Tương tự, tại Mỹ, tình trạng sức khỏe của nữ y tá người Mỹ gốc Việt cũng có những dấu hiệu khả quan.

Thế giới nỗ lực đối phó với dịch Ebola

Kể từ khi dịch bùng phát, cộng đồng quốc tế, đi đầu là Anh, Mỹ, đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ các quốc gia vùng dịch cũng như ngăn chặn dịch lan truyền, song cuộc chiến chống đại dịch Ebola không đạt kết quả như mong muốn. Với số ca nhiễm mới tăng theo cấp số nhân, WHO hồi tuần trước đã thừa nhận rằng đã thất bại khi không dự đoán trước được quy mô của đại dịch này. Chính vì vậy trong lúc này, các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh được cả cộng đồng quốc tế tiến hành cấp bách hơn bao giờ hết.

Cùng với việc kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh, cam kết hỗ trợ tài chính, các quốc gia còn cam kết gửi một lực lượng nhân viên y tế đến hỗ trợ vùng dịch. Anh, Mỹ đã gửi hàng trăm binh sĩ cũng như nhân viên chăm sóc y tế đến vùng dịch để trợ giúp khống chế dịch bệnh. Đồng thời, Mỹ cũng thành lập một đơn vị hỗ trợ y tế gồm 30 thành viên nhằm đối phó khẩn cấp với dịch Ebola bên trong nước Mỹ. Gác mọi bất đồng, Cuba tuyên bố nước này sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống Ebola bằng việc cử 165 bác sĩ và y tá đến Sierra Leone để giúp nước này đối phó với dịch bệnh Ebola và có kế hoạch sớm cử thêm 296 người khác đến Liberia và Guinea. Hàng loạt các quốc gia khác đều đã lên kế hoạch tăng cường giám sát hệ thống sân bay, cảng biển, cách ly những trường hợp đến từ vùng dịch nhằm khống chế để dịch bệnh không thể lan truyền.

Hiện thực hóa những cam kết viện trợ tài chính và nhân đạo

Theo nhận định của WHO, sẽ phải mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng trước khi dịch bệnh Ebola có thể khống chế được. Trong lúc này, điều thế giới cần làm là ngăn chặn chủng virus nguy hiểm này không lây lan sang nhiều nước khác. Song để làm được điều đó, thế giới cần thêm nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn tài chính. Đáng tiếc, cho đến nay, khoản tiền mà Liên hợp quốc và các tổ chức cứu trợ nhận được vẫn còn quá ít, mới chỉ đáp ứng 30% mức đề ra cho nỗ lực hỗ trợ chống dịch Ebola. Trong nội dung “Thư gửi thế giới”, Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf cảnh báo, dịch bệnh Ebola ở Tây Phi không chỉ là một cuộc khủng hoảng về y tế mà đang gây ra thảm họa kinh tế, để lại hậu quả là “một thế hệ bị đánh mất” của thanh niên ở các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, ít nhất 3.700 trẻ em tại Liberia, Guinea và Sierra Leone mất cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ kể từ khi dịch Ebola bùng phát tại Tây Phi vào tháng 3 năm nay. Tổng thống Sirleaf nhấn mạnh dịch bệnh này không có biên giới và cộng đồng quốc tế cần phải hành động mạnh mẽ hơn để kiểm soát dịch bệnh Ebola ở Tây Phi. Bởi rất có thể nếu không hợp tác hành động thực chất, thậm chí chần chừ đóng góp tài chính hay hỗ trợ nhân đạo rất có thể sẽ khiến Ebola có thể trở thành đại họa toàn cầu./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác