Dấu ấn 70 năm của Quốc hội Việt Nam

(VOV5) -  70 năm kể từ ngày 6/1/1946, Quốc hội Việt Nam đã có đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dấu ấn 70 năm của Quốc hội Việt Nam  - ảnh 1

70 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam là chặng đường đầy tự hào. Thực tế trưởng thành của Quốc hội Việt Nam cho thấy Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, không ngừng được đổi mới và kiện toàn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của dân tộc. 

Góp phần quan trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền

70 năm qua, Quốc hội đã thực hiện xuất sắc chức năng lập hiến, lập pháp. Kể từ Quốc hội khoá I cho đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp (chưa kể các bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung): Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013, qua đó kế thừa và hoàn thiện Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Cùng với sự phát triển lớn mạnh của đất nước, trong bảy thập niên qua, nhiều đạo luật quan trọng đã được Quốc hội ban hành góp phần thể chế hóa quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện quản lý xã hội theo hiến pháp và pháp luật.

Quyết định những vấn đề quan trọng, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước

Trong quá trình phát triển, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều quyết sách quan trọng như quyết định tổ chức và nhân sự cấp cao của Nhà nước; xem xét và thông qua các nghị quyết về nhiệm vụ, các kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm; phê chuẩn các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Quốc hội cũng quyết định chủ trương đầu tư xây dựng các công trình quan trọng quốc gia như: đường Hồ Chí Minh, đường dây truyền tải điện 500kV Bắc – Nam, nhà máy khí điện đạm Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà máy thủy điện Sơn La, nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận... tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét:70 năm qua cũng là 70 năm Quốc hội đồng hành cùng Đảng và các thiết chế khác của hệ thống chính trị trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng hiệu quả và thực chất hơn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đổi mới và phát triển đất nước. Các Nghị quyết của Quốc hội được ban hành trong những thời khắc quan trọng của đất nước như Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội 5 năm 1986 – 1990 đã mở đường cho việc phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới, Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội 1991 làm yên lòng dân trong bối cảnh quốc tế và đất nước có nhiều xáo trộn,phức tạp, duy trì đường lối đổi mới chuyển sang cơ chế thị trường, phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế”. 

Giám sát tối cao trở thành công cụ hữu hiệu để kiểm soát quyền lực Nhà nước

Tại mỗi kỳ họp, Quốc hội dành nhiều thời gian để xem xét, thảo luận về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định; tăng cường giám sát chuyên đề, tập trung vào các vấn đề bức xúc của cuộc sống mà cử tri quan tâm; nâng cao hiệu quả chất vấn và trả lời chất vấn, tạo không khí cởi mở, dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng đã tạo ra động lực để các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đổi mới mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành. Giáo sư.Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng: “Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội từ chỗ chỉ dựa trên tinh thần và nội dung của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội với những quy định chung, chưa cụ thể đến chỗ căn cứ vào một đạo luật với những quy định chi tiết, chặt chẽ từ việc xây dựng chương trình kế hoạch giám sát 6 tháng, hằng năm đến các quy định về chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức và cách thức giám sát… Nhờ đó, hoạt động giám sát tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, phản ánh được những vấn đề nóng bỏng, bức xúc đang được nhân dân quan tâm. Hai là, hoạt động giám sát tối cao của QH được tiến hành trong không khí ngày càng dân chủ, cởi mở và trách nhiệm, là phương tiện hữu hiệu để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước”.

Nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Trên lĩnh vực đối ngoại, hoạt động ngoại giao nghị viện tiếp tục được đẩy mạnh. Các hoạt động đối ngoại song phương của Quốc hội đã củng cố, phát triển quan hệ với nghị viện nhiều nước, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quan hệ đa phương, là thành viên của nhiều tổ chức liên nghị viện, Quốc hội Việt Nam không chỉ đóng góp tích cực vào hoạt động của các diễn đàn này mà còn chủ động đề xuất các sáng kiến mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy hiệu quả hợp tác nghị viện. Quốc hội cũng tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng tại Việt Nam, trong đó thành công của Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU) với bản Tuyên bố Hà Nội là minh chứng điển hình. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá: “Trên cơ sở tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một đường lối đối ngoại rộng mở hình thành trong thời kỳ đầu độc lập, trong quá trình 70 năm qua, hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thành công của hoạt động ngoại giao nước nhà. Đặc biệt, Đại hội đồng lần thứ 132 của Liên minh Nghị viện thế giới tại Hà Nội vào tháng 3.2015 đã thể hiện tinh thần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng của Quốc hội Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Qua 70 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành quả này tiếp tục tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của Quốc hội trong thời gian tới, là cơ sở quan trọng để đảm bảo thành công cho sự phát triển đất nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác