Dấu ấn Việt Nam trong Hội đồng kinh tế xã hội Liên hợp quốc

(VOV5) -  Việt Nam đã và đang tích cực cùng LHQ xây dựng những ý tưởng để trợ giúp những quốc gia nghèo, những quốc gia không có biển để tiến tới xây dựng một hành tinh “không có ai bị tụt lại phía sau”.

Cách đây tròn một năm, ngày 21/10/2015, Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) – 1 trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc (LHQ)- giải quyết các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế và nhân đạo của cộng đồng quốc tế. Việc Việt Nam được bầu làm thành viên của ECOSOC thể hiện sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam, là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như những đóng góp của Việt Nam đối với LHQ và xây dựng một thế giới tiến bộ, tốt đẹp hơn.


Dấu ấn Việt Nam trong Hội đồng kinh tế xã hội Liên hợp quốc - ảnh 1
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Phiên họp cấp cao Hội đồng kinh tế - xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) tại thành phố New York, Hoa Kỳ ngày 18/7/2016. Ảnh: TTXVN


Là một trong 54 thành viên của ECOSOC, Việt Nam có điều kiện tham gia sâu rộng hơn vào việc xây dựng, định hình “luật chơi chung” của thế giới thông qua đóng góp tiếng nói trách nhiệm, xây dựng vào các chính sách, văn kiện, hành động của ECOSOC trong các lĩnh vực rất phong phú của đời sống kinh tế, xã hội thế giới. Việt Nam cũng có cơ hội đóng góp trực tiếp vào tiến trình thực thi Chương trình nghị sự phát triển bền vững tới năm 2030, chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt từ bạn bè quốc tế để phát triển kinh tế và xã hội trong nước. 

Năm 2016 là năm đầu tiên các nước thành viên LHQ bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình Nghị sự 2030.Việt Nam đã tích cực tham gia các cuộc hội thảo, các cuộc trao đổi của LHQ để đúc rút kinh nghiệm và xác định những lĩnh vực cần ưu tiên trước và huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình. Trong năm 2016, đã có hai đoàn cấp cao của Việt Nam tham dự các cuộc họp của ECOSOC. Đáng chú ý nhất là sự hiện diện của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại Phiên họp cấp cao của ECOSOC diễn ra vào tháng 7 vừa qua. Tại đây, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu bật cam kết của Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào công việc chung của ECOSOC và thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Một dấu ấn nữa của Việt Nam trong các hoạt động của ECOSOC là đoàn do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông dẫn đầu tham dự phiên đối thoại cấp cao về lồng ghép chính sách diễn ra vào tháng 5. Tại phiên đối thoại, Thứ trưởng đã chia sẻ nhiều thông tin và kinh nghiệm của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng chính phủ điện tử, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm lợi ích của người lao động.

Với tư cách là thành viên ECOSOC, Việt Nam đã có một số đóng góp quan trọng cho ngôi nhà chung LHQ như: Đổi mới và nâng cao hiệu quả của bộ máy LHQ nhằm xây dựng mô hình hợp tác mới giữa LHQ và các nước thành viên; Đưa ra những khuyến nghị kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ cho các nước đang phát triển về mặt nguồn vốn và chuyển giao công nghệ; Tham gia hoàn thiện các bộ chỉ số để từ đó có các cơ chế rà soát, đánh giá mức độ các quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Đóng góp những ý kiến về việc xây dựng mô hình phát triển mới như mô hình hợp tác công-tư, mô hình hợp tác Nam - Nam. Mặc dù chương trình nghị sự phát triển bền vững được áp dụng đối với tất cả các quốc gia thành viên LHQ, song chương trình đặc biệt chú trọng vào những quốc gia kém phát triển nhất và không có biển. Với ý nghĩa đó, Việt Nam đã và đang tích cực cùng LHQ xây dựng những ý tưởng để trợ giúp những quốc gia nghèo, những quốc gia không có biển để tiến tới xây dựng một hành tinh “không có ai bị tụt lại phía sau”.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác