Diễn đàn kinh tế thế giới 2015: nhiều thách thức

(VOV5)- Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 45 sẽ diễn ra từ ngày 21 đến 24/1, tại Davos (Thụy Sĩ) với chủ đề "Bối cảnh toàn cầu mới".Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh các nước đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc phối hợp và liên kết quốc gia ứng phó với những thách thức toàn cầu. Do đó, tìm kiếm cách thức hướng tới thành công trong năm 2015 là một ưu tiên quan trọng nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững và xây dựng lại niềm tin. Tuy nhiên đây là nhiệm vụ không đơn giản.

Diễn đàn kinh tế thế giới 2015:  nhiều thách thức  - ảnh 1
Davos 2015 sẽ diễn ra trong 4 ngày

WEF lần thứ 45 thu hút số đại biểu tham dự kỷ lục, với khoảng 2 nghìn 500 người. Ngoài các lãnh đạo nhiều nước còn có 1.500 nhà kinh doanh hàng đầu đến từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dự kiến Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Italy Matteo Renzi, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry  sẽ có mặt tại Diễn đàn năm nay.

Bị chi phối bởi những thách thức toàn cầu
WEF 2015 diễn ra trong bối cảnh xảy ra một loạt biến cố toàn cầu như quan hệ giữa Nga và phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, dịch bệnh Ebola bùng phát ở Tây Phi, giá dầu mỏ lao dốc và các vấn đề sản xuất và đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân ở một số quốc gia. Do đó, trong khuôn khổ Hội nghị diễn ra nhiều cuộc gặp, đối thoại chính thức và không chính thức nhằm thúc đẩy nỗ lực kiến tạo hòa bình. Đây cũng là lý do trước thềm Hội nghị thường niên lần thứ 45, thay vì tập trung vào chủ đề kinh tế, WEF công bố 10 thách thức lớn mà thế giới đang phải đối mặt như khan hiếm tài nguyên; kỹ năng làm việc và  nguồn nhân lực; bình đẳng giới; đầu tư dài hạn, cơ sở hạ tầng và phát triển; an ninh lương thực và nông nghiệp; thương mại và đầu tư quốc tế; tương lai của hệ thống tài chính. Các vấn đề hiện tại như các cuộc xung đột leo thang địa chính trị, bệnh dịch, phân kỳ tăng trưởng và môi trường năng lượng mới cũng được đưa vào chương trình nghị sự.

Theo Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab, Diễn đàn kinh tế Davos phục vụ cộng đồng quốc tế như là một nền tảng cho hợp tác công-tư. Sự hợp tác này nhằm giải quyết những thách thức mà tất cả các nước đang phải đối mặt và do đó đòi hỏi có sự tin tưởng lẫn nhau. Ông Schwab hy vọng hội nghị thường niên này sẽ khởi đầu cho một thời kỳ khôi phục lòng tin toàn cầu.

Trong khi đó, Nhà kinh tế trưởng của Diễn đàn kinh tế thế giới Jennifer Blanke cũng cho rằng một trong những vấn đề quan trọng nhất trong năm nay mà hội nghị cần ưu tiên là đảm bảo an ninh toàn cầu. Qua đó khôi phục lòng tin trong hệ thống chính trị và kinh tế. Theo nhà kinh tế Jennifer Blanke, có sự tác động qua lại giữa hệ thống kinh tế và địa chính trị. Thế giới đang đối mặt với hàng loạt các cuộc xung đột địa chính trị khiến cho lòng tin bị hủy hoại, ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác kinh tế giữa các nước. Tổng giám đốc Quĩ tiền tệ quốc tế Christine Lagarde thì nhận định kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, bất chấp những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ và giá dầu giảm. Để đảm bảo sự phục hồi chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu đòi hỏi những hành động thích hợp của các nhà hoạch định chính sách từ châu Âu và toàn thế giới.

Ít cơ hội cho tăng trưởng kinh tế thế giới
Có thể thấy, tuy là Hội nghị thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới nhưng xem ra kinh tế xếp hàng thứ yếu tại WEF lần thứ 45. Những lo ngại về rủi ro kinh tế kinh niên như tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm hoặc các cuộc khủng hoảng tài chính vẫn sẽ chỉ được đề cập ở mức độ vừa phải, sau các mối quan tâm khác như xung đột, xã hội, môi trường. Hơn nữa với một chương trình nghị sự nhiều nội dung, các chuyên cũng không mấy kì vọng về việc sẽ đạt được những giải pháp cụ thể và quan trọng tại Diễn đàn lần này. Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới Klaus Schwab bày tỏ hi vọng một cách chung chung rằng Hội nghị lần này sẽ đạt được nhận thức chung giữa các nước về một bối cảnh mới, tìm giải pháp cho một nghị định khung cũng như đóng góp vào việc xây dựng lòng tin tại những khu vực xung đột, đạt được bước tiến trong việc giải quyết những thách thức kinh tế mang tính toàn cầu.

Rõ ràng, những thách thức toàn cầu đã chi phối mạnh tới nội dung của Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới 2015. Điều này cho thấy thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện và việc tìm cách thoát khỏi những thách thức này cần những nỗ lực của mọi quốc gia, dân tộc, chứ không chỉ là nhiệm vụ của riêng WEF 45./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác