Đông Bắc Á 2016: Năm của những bất ổn

(VOV5) - Đông Bắc Á, khu vực đóng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng đồng thời cũng là nơi chứa đựng những bất ổn cho xung đột. Nhìn lại năm 2016, tình hình Đông Bắc Á liên tiếp “nổi sóng”. Hòa bình, ổn định, đối đầu, xung đột là những nét đặc trưng nổi bật của khu vực Đông Bắc Á năm 2016.


CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân, Mỹ và Hàn Quốc có kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD), chính trường Hàn Quốc bất ổn, Nhật Bản tiến hành điều chỉnh mạnh mẽ đối với quân đội. Tất cả những diễn biến này liên tiếp đẩy khu vực Đông Bắc Á vào những cơn sóng căng thẳng đối đầu năm 2016.


Bán đảo Triều Tiên được ví như thùng thuốc súng


Điểm nóng khu vực được nhắc đến nhiều nhất trong năm qua là bán đảo Triều Tiên. Lần đầu tiên trong 1 năm, CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân 2 lần, thử tên lửa 10 lần với 24 quả đạn, từ tầm ngắn đến tầm trung và thử tên lửa từ tàu ngầm. Điều đáng lo ngại là các vụ thử này được cho là có bước tiến đáng kể về mặt công nghệ. Cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng mạnh mẽ trước các vụ thử của CHDCND Triều Tiên. Ngày 30/11/2016, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhất trí thông qua một Nghị quyết tiến hành các biện pháp trừng phạt toàn diện mới đối với CHDCND Triều Tiên. Nghị quyết trừng phạt đánh mạnh vào lĩnh vực kinh tế, tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu than đá, một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Bình Nhưỡng, với mục tiêu cắt giảm hơn 60% lượng xuất khẩu than đá hàng năm của nước này. Nghị quyết cũng đưa thêm các loại khoáng sản như đồng, niken, bạc, kẽm vào danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu từ phía Triều Tiên, siết chặt lĩnh vực hàng hải và tài chính của nước này. Ước tính, gói các biện pháp trừng phạt mới sẽ khiến nguồn thu ngoại tệ của Triều Tiên thất thu khoảng 800 triệu USD mỗi năm. 

Đông Bắc Á 2016: Năm của những bất ổn - ảnh 1
Bản tin về vụ phóng thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên phát trên truyền hình Hàn Quốc (AP)



Trước những động thái của CHDCND Triều Tiên, các nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản không ngừng tăng cường triển khai, hiện diện quân sự, mở rộng quy mô diễn tập quân sự. Do vậy, tình hình bán đảo Triều Tiên hầu như rơi vào “vòng tuần hoàn xấu”. Đầu tiên, dưới sự thúc đẩy của Mỹ, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Theo các chuyên gia nhận định THAAD có tác động trực tiếp đến tình hình an ninh khu vực.


Tiếp đó, các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng thúc đẩy Hàn Quốc và Nhật Bản hợp tác tình báo. Được Mỹ làm trung gian, ngày 23/11/2016, đại diện Chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản lần đầu tiên chính thức ký kết Hiệp định chia sẻ tin tức tình báo quân sự. Sau khi ký kết hiệp định này, Hàn Quốc và Nhật Bản không phải thông qua Mỹ cũng có thể chia sẻ tin tức tình báo quân sự nhạy cảm. Việc ký kết hiệp định này là một bước đi lớn trên con đường thúc đẩy xây dựng “liên minh quân sự  Đông Bắc Á”, sẽ có ảnh hưởng sâu xa tới cục diện khu vực, góp phần làm thay đổi cục diện địa - chính trị của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai.


Tranh chấp chủ quyền biển đảo, bất ổn chính trị ở Hàn Quốc


Năm 2016 chứng kiến không ít lần căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung  Quốc trong tranh chấp chủ quyền tại khu vực quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Nhiều lần Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản lên tiếng cảnh báo tàu Trung Quốc đi vào vùng biển mà Tokyo tuyên bố có chủ quyền. Để củng cố sức mạnh ở chuỗi đảo trải dài 1,400 km này, Nhật Bản đẩy nhanh rõ rệt các bước chỉnh đốn quân bị, tăng ngân sách quốc phòng. Nhật Bản thông qua ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2017 với tổng mức là 5.170 tỷ yên, đưa ngân sách quốc phòng Nhật Bản tăng liên tục 5 năm liền. Cùng với đó, Nhật Bản cũng chính thức thực hiện Luật An ninh mới. Cốt lõi của Luật An ninh mới là dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, tạo điều kiện cho Lực lượng Phòng vệ triển khai các hành động quân sự ở nước ngoài.


Đông Bắc Á 2016: Năm của những bất ổn - ảnh 2
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. (KYODO)



Trong khi đó, vụ bê bối “thân tín can thiệp chính trị” của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, đã gây ra cơn “động đất” trên chính trường Hàn Quốc và ảnh hưởng tới cục diện các quan hệ chính trị, ngoại giao khu vực Đông Bắc Á. Các đảng ở Hàn Quốc đang bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử sớm cho chức vụ Tổng thống. Dự kiến, sự bất ổn trên chính trường Hàn Quốc có thể sẽ chi phối cả năm 2017. Tại Nhật Bản, nếu ông Shinzo Abe tái cử trong cuộc bầu cử Chủ tịch Đảng khóa tới trong năm 2018 và Đảng Tự do Dân chủ (LDP) tiếp tục giữ địa vị cầm quyền thì chức vụ Thủ tướng của ông Shinzo Abe sẽ kéo dài đến năm 2021. Đồng nghĩa với hàng loạt biện pháp cải cách về Hiến pháp, về chính sách quốc phòng, an ninh, đối ngoại...


Năm 2017, tình hình Đông Bắc Á chắc chắn vẫn đầy biến số. Khó có thể xác định các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc có thể ngăn chặn CHDCND Triều Tiên tiếp tục phát triển hạt nhân và tên lửa hay không? Hướng đi của chính trường Hàn Quốc và triển vọng bầu cử Tổng thống ở Hàn Quốc sẽ như thế nào? Nhật Bản tiến hành chỉnh đốn quân bị sẽ đến mức độ nào? Tình hình chính trị an ninh và cục diện quan hệ Đông Bắc Á sẽ còn nhiều điều đáng bàn trong thời gian tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác