G7 thúc đẩy hợp tác vì một thế giới hòa bình

(VOV5) -  Vấn đề tranh chấp trên Biển Đông cũng là chủ đề nóng trên bàn nghị sự của hội nghị các Ngoại trưởng G7 lần này.


Hội nghị ngoại trưởng 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) vừa kết thúc tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản sau 2 ngày họp. Diễn ra tại địa điểm được coi là chứng tích về tội ác sử dụng bom nguyên tử, Hội nghị G7 là dịp để nước chủ nhà Nhật Bản phát đi thông điệp vì một thế giới phi vũ khí hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh lập trường phản đối những hành động đe dọa hòa bình, ổn định.


G7 thúc đẩy hợp tác vì một thế giới hòa bình - ảnh 1
Các ngoại trưởng G7 nhóm họp tại Hiroshima, Nhật Bản hôm 10/04 (Ảnh: AFP)

“Tuyên bố Hiroshima” thông qua sau hội nghị đã tái khẳng định cam kết tìm kiếm một thế giới an toàn hơn cho tất cả mọi người, đồng thời thúc đẩy một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Tuyên bố chung chỉ trích các cuộc tấn công của Hồi giáo cực đoan xảy ra trong thời gian gần đây từ Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Bỉ đến Nigeria, lên án các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên, đồng thời phản đối những hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng các vùng biển ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Thông điệp vì một thế giới phi hạt nhân

Hội nghị ngoại trưởng G7 năm nay có sự tham dự của Ngoại trưởng 7 nước bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Hiroshima, việc ông John Kerry cùng với ngoại trưởng các nước đến Công viên và Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima, nơi trưng bày những chứng tích của bom nguyên tử trong vụ ném bom nguyên tử vào ngày 6/8/1945, mang tính biểu tượng sâu sắc, là một bước đi lịch sử nhằm nỗ lực thúc đẩy một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh những căng thẳng gần đây trên bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Sau hàng loạt các vụ phóng tên lửa từ đầu năm đến nay, CHDCND Triều Tiên tiếp tục đưa ra những lời cảnh báo về khả năng sử dụng vũ khí hóa học để đáp trả lại các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, Mỹ và Hàn Quốc. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố đẩy mạnh củng cố kho vũ khí hạt nhân của mình, cho biết nước này sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân bất cứ lúc nào và luôn trong tư thế “tấn công phủ đầu” nếu bị kẻ thù đe dọa. Mới đây nhất, các vệ tinh do thám của Mỹ phát hiện các dấu hiệu về việc CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa đạn đạo chưa từng có từng trước tới nay, với tầm bắn có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ. Những thông tin này được đưa ra đồng thời với việc CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công động cơ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, có thể tấn công Mỹ để trả đũa cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ và Hàn Quốc.

Nguy cơ thế giới đối diện với vũ khí hạt nhân còn liên quan đến sự trỗi dậy mạnh mẽ của khủng bố, điển hình là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo nhiều nguồn tin tình báo, tần số sử dụng vũ khí hóa học của IS đang có chiều hướng gia tăng và vũ khí hóa học mà IS đã sử dụng là khí “mù tạt” còn sót lại từ thời chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Hồi tháng 2 vừa qua, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng cáo buộc IS lần đầu tiên sử dụng vũ khí hóa học tại Iraq và Syria, trong đó có là khí mù tạt. Gần đây nhất, ngày 4/4 vừa qua, Chính phủ Syria cũng đưa ra cáo buộc rằng IS đã bắn một số đạn pháo có chứa khí mù tạt vào các căn cứ quân sự miền Đông nước này tại tỉnh Deir al-Zour. Vì vậy, các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản, Anh, Canada, Pháp, Đức và Ý cam kết hoàn thành kế hoạch hành động G7 mà các nhà lãnh đạo nhóm này phê chuẩn tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5 tới. Việc lựa chọn Hiroshima làm điểm đến của các Ngoại trưởng G7 năm nay cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của nhóm. Hiroshima là một trong hai chứng tích về tội ác của chiến tranh, trở thành biểu tượng nhắc nhở thế giới về sự nguy hại của vũ khí hạt nhân. Điều này cũng cho thấy mối quan tâm hàng đầu hiện tại về chính trị an ninh là vấn đề hạt nhân và Hội nghị G7 là cơ hội để các nước phát đi thông điệp này.

Phản đối các hành động đơn phương trên biển

Vấn đề tranh chấp trên Biển Đông cũng là chủ đề nóng trên bàn nghị sự của hội nghị các Ngoại trưởng G7 lần này. Biển Đông cũng xuất hiện trong tuyên bố chung của hội nghị, với nội dung các Ngoại trưởng thống nhất là nhấn mạnh tầm quan trọng căn bản của quản lý và giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình. Nước chủ nhà Nhật Bản lên tiếng kỳ vọng, các Ngoại trưởng G7 phản đối những hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng các vùng biển, đồng thời khuyến khích phương Tây góp tiếng nói nhiều hơn để thay mặt các nước Đông Nam Á trong vấn đề liên quan tới Biển Đông.

Dù không trực tiếp đề cập tới Trung Quốc, tuyên bố của Hội nghị rõ ràng hướng chỉ trích những tham vọng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Những cuộc đối đầu gần đây trên Biển Đông, đặc biệt là giữa Mỹ với Trung Quốc, đã gây ra những quan ngại ngày càng lớn trong khu vực và trên thế giới.

Hợp tác G7, tiền thân là G8 (Nhóm những nước công nghiệp hàng đầu thế giới), bởi sự rút lui không tham dự của Nga liên quan đến việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014, đã và đang tác động rất lớn đến tình hình toàn cầu bởi có sự góp mặt của các quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới. Thông điệp từ Hội nghị ngoại trưởng G7 lần này thêm một lần nữa để cộng đồng quốc tế hy vọng sự đóng góp có trách nhiệm của các cường quốc cho một thế giới phi vũ khí hạt nhân, hòa bình, ổn định.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác