Gian nan tìm kiếm sự đồng thuận về Brexit

(VOV5) - Nữ Thủ tướng đã làm hết sức mình để có thể đạt được những thỏa thuận có lợi cho nước Anh khi rời khỏi EU. 

Ngày 12/3, Quốc hội Anh bỏ phiếu lần hai đối với thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Trước thời điểm bỏ phiếu, các cuộc đàm phán, điện đàm, tranh luận vẫn diễn ra xung quanh những vấn đề cần thay đổi để khai thông bế tắc liên quan đến nội dung thỏa thuận. Những dấu hiệu này minh chứng cho nhận đình rằng Brexit là chặng đường không hề dễ dàng cho cả Anh và EU.

Gian nan tìm kiếm sự đồng thuận về Brexit - ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May. - Ảnh: Daily Mail 

Theo kế hoạch, ngày 12/3, Thủ tướng May trở lại Quốc hội Anh để trình bày thỏa thuận Brexit sửa đổi trước các nghị sĩ. Đây là lần thứ 2 Quốc hội Anh bỏ phiếu đối với thỏa thuận Brexit. Trước đó, hồi tháng 1, thỏa thuận Brexit bị Quốc hội bác bỏ với số phiếu phản đối cao nhất lịch sử nước Anh hiện đại. Lý do chủ yếu nằm ở điều khoản "rào chắn" về biên giới với Ireland, xung quanh một chính sách đảm bảo không xuất hiện đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) với nước Cộng hòa Ireland (thuộc EU) sau Brexit. Các nghị sĩ Anh muốn những thay đổi có tính ràng buộc pháp lý đối với thỏa thuận của bà May để đảm bảo rằng điều khoản này sẽ không tồn tại vĩnh viễn, nhưng để có được cái gật đầu tư EU là không dễ dàng.

Khó khăn bủa vây đến phút cuối cùng

Trước ngày bỏ phiếu, hai phe phái có tư tưởng hoài nghi châu Âu trong Quốc hội Anh đều cảnh báo bỏ phiếu chống đối với thỏa thuận Brexit. Trong một tuyên bố cứng rắn, một vài nghị sỹ thuộc Công Đảng Anh nhấn mạnh Thủ tướng May buộc phải tìm ra cách tạo dựng sự đồng thuận trong Quốc hội liên quan Brexit, nếu không, Quốc hội sẽ tìm cách để giành quyền kiểm soát tiến trình này. Thậm chí bà May còn phải đối mặt với sức ép từ chức khi những nghị sĩ đảng Bảo thủ theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu cho rằng nữ chính khách này có thể phải "hy sinh ngôi vị thủ tướng" để đổi lấy số phiếu ủng hộ từ nhóm này trong cuộc bỏ phiếu quan trọng ngày 12/3.

Gian nan tìm kiếm sự đồng thuận về Brexit - ảnh 2Tiến trình Brexit cho đến nay vẫn còn nhiều gian nan. - Ảnh minh họa: Reuters. 

Trong khi đó, nước Anh được cho là cũng chuẩn bị trước cho khả năng Brexit không thỏa thuận. Theo tờ Financial Times (Anh), Ngân hàng Anh (BoE) đã yêu cầu một số ngân hàng trong nước tăng gấp ba lần số tài sản có tính thanh khoản cao để hỗ trợ ứng phó tình huống nước Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận về quan hệ song phương hậu Brexit. Các ngân hàng cần đảm bảo số tài sản có tính thanh khoản cao đủ để có thể ứng phó một giai đoạn khó khăn kéo dài tới 100 ngày, thay vì 30 ngày như quy định của Cơ quan Giám sát Tài chính thuộc BoE. Còn theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu New Financial (Anh), có tới hơn 275 doanh nghiệp tài chính đang chuyển tổng cộng 1.200 tỷ USD vốn và tài sản cùng với hàng nghìn nhân viên từ Anh quốc sang các nước thành viên khác của EU để sẵn sàng cho Brexit.

Thỏa thuận quan trọng đạt được vào phút chót

Trong bối cảnh khó khăn bủa vây bản thỏa thuận Brexit, dư luận cũng ghi nhận những nỗ lực cuối cùng để cứu vãn thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May. Một ngày trước thời điểm bỏ phiếu, Thủ tướng Theresa May tiếp tục điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Claude Juncker đồng thời nhấn mạnh các cuộc đàm phán về tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang diễn ra. Không chỉ vậy, bà cũng thực hiện chuyến công du phút chót đến Strasbourg (Pháp) tối ngày 11/3, để gặp trực tiếp ông Jean-Claude Juncker và Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier. Trước đó, nữ Thủ tướng Anh cũng điện đàm với các nhà lãnh đạo châu Âu trong hai ngày 8/3 và 9/3 nhằm nỗ lực tìm kiếm một sự nhượng bộ của EU đối với thỏa thuận Brexit. Kết quả là, chưa đầy 24h trước thời điểm Quốc hội bỏ phiếu, Thủ tướng Anh Theresa May đã nhận được đảm bảo từ Liên minh châu Âu (EU) về "các thay đổi mang tính ràng buộc pháp lý" đối với dự thảo thỏa thuận Brexit. Cụ thể là Thủ tướng Ireland Leo Varadkar đã ký vào các đảm bảo bổ sung dành cho London nhằm giải quyết điểm gai góc chính đối với các nghị sĩ Anh, đảm bảo biên giới mở giữa Ireland với Bắc Ireland trên hòn đảo này. Các nghị sĩ Anh sẽ nghiên cứu các đề xuất mới trước khi tiến hành bỏ phiếu "thỏa thuận ly hôn". Đề cập tới diễn biến mới này, Chủ tịch EC Jean - Claude Juncker chốt lại rằng: “Thỏa thuận này hoặc là Brexit có thể không xảy ra. Không có cơ hội thứ ba. Hãy cùng nhau đưa nước Anh ra khỏi EU một cách có trật tự".

Có thể nói cuộc bỏ phiếu lần hai về thỏa thuận Brexit ngày 12/3 được coi là thử thách cuối cùng Thủ tướng May phải đối mặt trong nhiệm kỳ đầy sóng gió của mình. Nữ Thủ tướng đã làm hết sức mình để có thể đạt được những thỏa thuận có lợi cho nước Anh khi rời khỏi EU. Tuy nhiên những diễn biến xảy ra trên chính trường nước Anh hiện nay không có gì đảm bảo rằng những nỗ lực trên đã là đủ. Và Brexit thực sự là quá trình không dễ dàng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác