Hành động của Trung Quốc gây phương hại đến nhiều quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông

(VOV5) - Những tham vọng và những tính toán của Trung Quốc ở Biển Đông là quá coi thường luật pháp quốc tế.

Lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng thềm lục địa của Việt Nam. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, bởi đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Không chỉ vậy, hành động của Trung Quốc còn gây phương hại đến nhiều quốc gia trong khu vực.

Hành động của Trung Quốc gây phương hại đến nhiều quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông - ảnh 1

Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam - Ảnh: Mỹ Trà

Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc lần thứ 2 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Dư luận lo ngại các hành vi vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông làm suy giảm lòng tin, gia tăng căng thẳng, dẫn tới nguy cơ mất an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không.

Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS và luật pháp quốc tế.

Cộng đồng quốc tế phẫn nộ và lên án

Hành động của Trung Quốc tiếp tục khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ và lên án. Giáo sư Alexander Vuving, nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định: "Tôi nghĩ có 2 nguy cơ lớn nhất đối với khu vực. Với hành động này, Trung Quốc tiếp tục hướng tới con đường giành thêm các quyền kiểm soát Biển Đông, khống chế không gian biển ở khu vực. Nguy cơ thứ hai, sự áp đặt đơn phương của Trung Quốc đã chà đạp lên luật pháp quốc tế. Nếu không bị ngăn cản sẽ củng cố thêm một hiện thực mới trên Biển Đông là “sức mạnh của Trung Quốc đứng cao hơn luật pháp quốc tế”, buộc mọi người phải chấp nhận".

Thời gian qua, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đều bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc liên tục có các hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam vẫn kiên trì giải quyết thông qua ngoại giao hòa bình, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, kiên trì kêu gọi đoàn kết trong khu vực, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Theo nhiều chuyên gia quốc tế, từ góc độ luật quốc tế, tiếng nói của dư luận tiến bộ trên thế giới cũng là một trong những biện pháp đảm bảo thi hành luật, là cơ sở pháp lý để Trung Quốc buộc phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Hành động của Trung Quốc gây phương hại đến nhiều quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông - ảnh 2

Giáo sư Alexander Vuving - Ảnh: AP

Theo Giáo sư Alexander Vuving: "Tôi nghĩ rằng, không chỉ có các nước ven bờ như Việt Nam, Philippines, Malaysia mà kể cả các nước bên ngoài có chung lợi ích bảo vệ luật pháp quốc tế cũng hoàn toàn có thể hợp tác với nhau, không chỉ bằng con đường quân sự mà có thể sử dụng các tàu chấp pháp giúp đỡ nhau, tăng cường năng lực để cùng nhau bảo vệ thi hành luật pháp quốc tế trong khu vực này. Các nước phải kết hợp với nhau mạnh hơn nữa để tạo thành một mặt trận quốc tế đủ lớn để chống lại sự vi phạm quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông, chống lại yêu sách đường Lưỡi Bò của Trung Quốc trên Biển Đông. Có như vậy mới có thể tạo đủ sức ép buộc Trung Quốc phải thay đổi hành vi".

Không thể chấp nhận cách hành xử “một mình một chợ”

Rõ ràng, những hành động hiện nay của Trung Quốc như đưa tàu vào vùng chủ quyền của Việt Nam, xua đuổi tàu cá ... hoàn toàn là bất hợp pháp. Những tham vọng và những tính toán của Trung Quốc ở Biển Đông là quá coi thường luật pháp quốc tế.

Công ước Luật Biển năm 1982- quy định rằng trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước, khi nước ngoài muốn thăm dò, khai thác hay đánh cá thì phải xin phép nước sở tại. Nếu không được sự đồng ý của nước sở tại thì hành vi ấy là vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước có vùng đặc quyền kinh tế. Trong trường hợp này, hành động của Trung Quốc kéo tàu Hải Dương 8 đến thăm dò ở Bãi Tư Chính của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng Công ước Luật Biển năm 1982. Hành động này của Trung Quốc cũng vi phạm Tuyên bố về quy tắc ứng xử (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN tại Campuchia.

Từ tháng 6/2012, Trung Quốc đã có 10 lần cam kết công khai với các lãnh đạo Việt Nam và các nước ASEAN rằng Trung Quốc luôn thể hiện trách nhiệm duy trì hòa bình ổn định khu vực ở Biển Đông. Riêng Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc công bố hôm 24/7 vừa rồi, Trung Quốc tuyên bố không bao giờ hành động xâm lấn chủ quyền nước khác. Hành động của Trung Quốc đưa tàu đến thăm dò tại Bãi Tư Chính của Việt Nam thực chất là đi ngược lại toàn bộ luật pháp quốc tế, đi ngược lại những điều Trung Quốc đã cam kết với thế giới và Việt Nam. Vì thế, hành động này của Trung Quốc làm cho uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế bị suy giảm nghiêm trọng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác