Hòa đàm Syria tại Geneva: những khó khăn được báo trước

(VOV5) - Vòng hòa đàm nhằm tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề Syria song giới chuyên gia không mấy lạc quan sẽ có tiến triển tại cuộc đàm phán này khi mà các bên còn nhiều bất đồng.

Ngày 28/11, vòng đàm phán thứ 8 về vấn đề Syria do Liên Hợp Quốc bảo trợ đã khởi động tại Geneva (Thụy Sĩ). Vòng hòa đàm nhằm tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề Syria song giới chuyên gia không mấy lạc quan sẽ có tiến triển tại cuộc đàm phán này khi mà các bên còn nhiều bất đồng.

Kể từ khi cuộc nội chiến tại Syria bùng phát năm 2011, đã có 7 vòng đám phán về hòa bình tại Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc diễn ra nhằm tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề Syria. Tuy nhiên, 7 vòng đàm phán không đạt nhiều kết quả khi tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là vấn đề gây chia rẽ nhiều nhất. Các nhóm đối lập Syria và nhiều cường quốc phương Tây yêu cầu ông al-Assad phải ra đi.

Hòa đàm Syria tại Geneva: những khó khăn được báo trước  - ảnh 1 Đại diện phe đối lập Syria, ông Nasr al-Hariri. Ảnh: YouTube.

Trước thềm hòa đàm lần này, Đại diện Liên Hợp Quốc về Syria cho rằng cuộc chiến chống khủng bố IS ở Syria sắp kết thúc và đây là thời điểm để bắt đầu tiến trình chính trị, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các khu vực giảm bớt căng thẳng. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi Chính phủ Syria và phe đối lập tham gia vào vòng đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết nào.

Hai nội dung trọng tâm

Cuộc hòa đàm Syria tại Geneva do Liên hợp quốc bảo trợ tập trung vào vấn đề bầu cử và hiến pháp.  Đây là 2 vấn đề trọng tâm trong 4 nội dung được thảo luận từ suốt các vòng đàm phán gần đây tại Geneva. Phó đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Ramzi Ezzedine Ramzi nhận định tiến trình chính trị tại Syria rất khó khăn và phức tạp, vì vậy Liên hợp quốc đang xây dựng chiến lược theo cách tiếp cận từng bước để giải quyết vấn đề. 

Ngay trước thềm vòng hòa đàm thứ 8, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura nhận định rằng cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này giờ đây có khả năng đi đến "một tiến trình chính trị thực sự." Trong quá trình chuẩn bị cho vòng đàm phán, ông Mistura đã kêu gọi các bên tiến hành những hoạt động ngoại giao thực sự, tập trung vào một số vấn đề như chính phủ và phe đối lập cần chủ động tham gia vào tiến trình đàm phán Geneva mà không kèm theo điều kiện tiên quyết nào, ủng hộ những sáng kiến hỗ trợ tiến trình hòa giải của Liên hợp quốc.

Hòa đàm Syria tại Geneva: những khó khăn được báo trước  - ảnh 2Đặc phái viên của LHQ về vấn đề Syria Staffan de Mistura. (Nguồn: Reuters) 

Một số nước trên thế giới cũng lên tiếng ủng hộ vòng đàm phán lần này. Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố tầm quan trọng của các cuộc đàm phán về Syria tại Geneva và cho rằng đây là giải pháp duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Mỹ sẽ phối hợp với Nga để ngăn chặn sự bùng phát các cuộc nội chiến ở Syria. Trong khi đó, một số nhà ngoại giao tại Liên hợp quốc cũng bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán ở Geneva sẽ đạt được những kết quả tích cực khi các phe đối lập Syria đã thành lập được một ủy ban đàm phán hợp nhất sau cuộc họp ở Riyadh (Arab Saudi). Họ cho rằng việc này sẽ giúp củng cố tầm quan trọng của tiến trình hòa bình Geneva và mang lại những cơ hội mới cho tiến trình này.

Khó khăn ngay từ đầu

Mặc dù Liên hợp quốc đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc hòa đàm lần này song ngay trước thềm đàm phán, phái đoàn Chính phủ Syria bất ngờ thông báo hoãn chuyến đi tới Geneva để phản ứng tuyên bố của phe đối lập đòi giữ nguyên yêu cầu Tổng thống Assad phải ra đi để khởi đầu cho quá trình chuyển tiếp chính trị tại nước này. Chính quyền Syria coi tuyên bố này là sự trở lại vạch xuất phát.  Theo Báo Dân tộc của Syria ngày 29/11, phái đoàn đàm phán của Chính phủ Syria cuối cùng cũng đồng ý tham gia vòng đàm phán thứ 8 về Syria nhưng với một số điều kiện. Đó là không đàm phán trực tiếp với đại diện phe đối lập và chỉ bàn về các nội dung liên quan tới bầu cử và hiến pháp mới. Chính phủ Syria cũng đồng ý ngừng bắn ở đông Ghouta.

Trong khi đó, phe đối lập công bố sự sẵn sàng đàm phán trực tiếp với chính phủ nhưng nhấn mạnh vẫn sẽ tập trung vào sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad trước khi bắt đầu quá trình chuyển đổi chính trị.  Người đứng đầu phe đối lập Syria tại Geneva Nasr al - Hariri nói rằng mục tiêu của họ là sự ra đi của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông al-Hariri nêu rõ các cuộc thảo luận trực tiếp phải đạt được một mục tiêu cụ thể. Đó là chuyển tiếp chính trị và mọi chủ đề đều phải được thảo luận, kể cả tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Như vậy, mặc dù cuối cùng chính phủ Syria cũng tham gia hòa đàm, chậm 1 ngày so với kế hoạch song Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura vẫn chưa thể khẳng định một cuộc đối thoại “trực tiếp” giữa chính phủ Syria và phe đối lập có thể diễn ra hay chỉ là các cuộc gặp riêng rẽ giữa các bên với các nhà hòa giải. Nếu chỉ gặp riêng rẽ sẽ là điều bất lợi để tháo gỡ những vướng mắc về vấn đề Syria.

Cuộc chiến chống khủng bố ở Syria đang dần đi đến hồi kết. Việc tổ chức vòng hòa đàm thứ 8 về vấn đề Syria được xem là một cơ hội để tìm kiếm những giải pháp khôi phục Syria thời hậu chiến. Song sự bất đồng quan điểm giữa các bên về những vấn đề chủ chốt cho thấy vòng hòa đàm này sẽ khó có đột phá so với 7 vòng hòa đàm trước. Và như vậy Syria vẫn sẽ cần nhiều vòng đàm phán khác nữa để hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp chính trị ở quốc gia này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác