Khởi đầu giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ - CHDCND Triều Tiên

(VOV5) - Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un bắt đầu hội đàm chính thức vào lúc 9h sáng giờ Singapore.

Hôm nay, mọi sự chú ý của dư luận thế giới đều hướng về Singapore, nơi diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong - un, cuộc gặp đầu tiên của 1 Tổng thống Mỹ đương nhiệm với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đây không chỉ là bước ngoặt quan trọng trong quan hệ song phương Mỹ - Triều mà còn là cơ hội cho hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.  

Khởi đầu giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ - CHDCND Triều Tiên - ảnh 1 Thời khắc lịch sử Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. - Ảnh: Straits Times/Getty Images

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un bắt đầu hội đàm chính thức vào lúc 9h sáng giờ Singapore. Sau khi thực hiện cái bắt tay lịch sử, hai nhà lãnh đạo bắt đầu phiên họp kín. Sau đó là hội đàm song phương mở rộng trước khi hai nhà lãnh đạo cùng dùng bữa trưa làm việc. Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thảo luận về hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên trong cuộc gặp thượng đỉnh mang tính lịch sử.

Con đường dẫn tới cuộc gặp thượng đỉnh không dễ dàng

Một năm trước, khó ai có thể hình dung được tình hình trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là quan hệ Mỹ - Triều Tiên, lại có bước chuyển như ngày hôm nay. Cũng vào tuần thứ 2 của tháng 6 năm 2017, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên tuyên bố nước này đã đến gần việc chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới lục địa Mỹ. Vài tuần sau đó, khi Hoa Kỳ đang chào mừng ngày Quốc khánh (4/7) thì CHDCND Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên. Và nhiều tháng sau, quốc gia này liên tiếp phóng thêm tên lửa. Mỗi vụ phóng tên lửa lại đẩy Bình Nhưỡng tới gần cuộc chiến tranh với Washington. Chưa kể, Triều Tiên còn tiến hành vụ thử hạt nhân vào tháng 9/2017, vụ thử hạt nhân thứ 6 và được cho là mạnh nhất của nước này tính đến thời điểm đó.

Khởi đầu giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ - CHDCND Triều Tiên - ảnh 2 Ông Trump giơ ngón tay thể hiện sự hài lòng khi hai nhà lãnh đạo có cuộc trò chuyện riêng. -Ảnh: AP 

Tuy nhiên, mọi sự thay đổi 180 độ khi 6 tháng đầu năm 2018, Bình Nhưỡng bắt đầu thể hiện sự thân thiện. CHDCND Triều Tiên đã mở lại đường dây nóng liên Triều lần đầu tiên trong 2 năm hồi tháng 1/2018, khởi đầu cho một loạt các động thái ngoại giao tích cực. Tháng 2/2018, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un là bà Kim Yo-jong tới dự Thế vận hồi mùa Đông tại PyeongChang, Hàn Quốc.

Tiếp sau đó là 2 cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ( tháng 4 và tháng 5/2018). Những diễn biến tích cực nhất từ cuộc gặp này là việc hai bên ra Tuyên bố Bàn Môn Điếm xác định mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và hướng tới việc tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều cũng mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều mà thế giới chờ đợi vào ngày 12/6, tại Singapore.

Thắng lợi ngoại giao của các bên

  Để cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên có thể diễn ra là thành quả từ các nỗ lực kiên trì của các bên liên quan, đặc biệt, những động thái cải thiện quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên từ đầu năm đến nay đã tạo bầu không khí hòa dịu tại khu vực. Trong nỗ lực phá vỡ thế bị bao vây và cô lập, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo có đường lối ôn hòa, chìa bàn tay thân thiện với Bình Nhưỡng. Chính ông Moon Jae-in đã đóng vai trò cầu nối, chuyển đề nghị gặp gỡ trực tiếp Triều - Mỹ tới Tổng thống Donald Trump. Ngay cả ông Kim Jong un cũng thừa nhận với ông Donald Trump rằng con đường dẫn tới cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai người không dễ dàng.

Có nhiều lý do để cả CHDCND Triều Tiên và Mỹ đều muốn có cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên. Đáng kể nhất là cả hai bên đều coi thượng đỉnh Mỹ-Triều là một “thắng lợi ngoại giao” của mình. Chính quyền Trump khẳng định việc kéo CHDCND Triều Tiên “xuống nước” đàm phán, ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, là thành quả của chiến dịch gây sức ép tối đa. Còn với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, việc Mỹ chấp nhận đối thoại trực tiếp đã là một “thắng lợi về ngoại giao”. Ngoài ra, việc ông Kim Jong-un có cơ hội ngồi ngang hàng với ông chủ Nhà Trắng cho thấy vị thế quốc tế đang lên của Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, cũng đem lại cho Bình Nhưỡng cơ hội vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng có những nhận định đầy hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh có thể là bước đi trực tiếp tới hòa bình. Trong khi đó, tờ Rodong Sinmun, Cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, thì đề cập đến khả năng Bình Nhưỡng thiết lập một mối quan hệ mới với Washington. Thông tin này đã cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận của Bình Nhưỡng với Washington.

Sau gần 7 thập kỷ đối đầu, những bất đồng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên chắc chắn không thể được giải quyết trong khuôn khổ của một cuộc gặp thượng đỉnh. Tuy nhiên việc cuộc gặp diễn ra cũng đã là một bước tiến rất lớn, là 1 cơ hội đối thoại hiếm có giữa lãnh đạo 2 quốc gia đối địch nhau để tìm kiếm hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên,

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác