Khơi thông các động lực để duy trì đà tăng trưởng kinh tế

(VOV5) - Kinh tế - xã hội Việt Nam trong tháng 9 và 9 tháng qua tiếp tục xu hướng khả quan. 

Có được kết quả này, một phần là nhờ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách cải cách thể chế, phát triển mạnh kinh tế tư nhân, phát triển khoa học và công nghệ.

Cả nước đang thực hiện hiệu quả và dự báo sẽ thành công “mục tiêu kép” là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.

Trong bối cảnh đó, việc cải cách thể chế, phát triển kinh tế tư nhân và đầu tư phát triển khoa học công nghệ ghi nhận những bước tiến đáng kể.

Đẩy mạnh cải cách thể chế

Cải cách thể chế được nhận định là yếu tố cốt lõi và quan trọng nhất để duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Cải cách thể chế ở Việt Nam, trong đó bao gồm cả cải cách hành chính và thủ tục hành chính đã đạt được một số kết quả bước đầu, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.  

Khơi thông các động lực để duy trì đà tăng trưởng kinh tế - ảnh 1: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. - Ảnh: VOV 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Chủ động xây dựng thể chế được coi là trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Các phiên họp thường kỳ dành nhiều thời gian để thảo luận về các dự án luật, dự thảo nghị định, chủ động phồi hợp với các cơ quan của Quốc hội tiếp thu chỉnh lý hoàn thiện. Quyết liệt hoàn thiện thể chế theo hướng thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch và đảm bảo thực thi nghiêm minh đã tiến hành sửa đổi bổ sung và xây dựng các quy định về đất đai, nhà ở, môi trường đầu tư kinh doanh.”

Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính sẽ được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh, nhằm xây dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ phấn đấu đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD.

Coi trọng khu vực kinh tế tư nhân   

Chính phủ luôn xác định rằng doanh nghiệp tư nhân là một động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, do đó, thời gian qua, Chính phủ đã dốc sức hỗ trợ tư nhân thuận lợi làm kinh tế. Chính phủ cũng đưa ra những chính sách cụ thể để ủng hộ kinh tế tư nhân như: giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các điều luật liên quan đến kinh tế đều chiếu theo chuẩn của thế giới, hỗ trợ vốn và mở rộng thị trường… Những cố gắng trên của Chính phủ đã mang lại những hiệu quả nhất định.

Khơi thông các động lực để duy trì đà tăng trưởng kinh tế - ảnh 2 : Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. - Ảnh: VOV

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết: “Các rào cản kinh doanh, cơ chế xin cho, môi trường cạnh tranh không bình đẳng là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Cho nên thào gỡ các rào cản, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng chính là hệ sinh thái tốt nhất cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của nhà nước thông qua giảm chi phí kinh doanh, chi phí thủ tục hành chính cũng ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp tư nhân.”

Chủ động về khoa học công nghệ để đón đầu cuộc cách mạng 4.0

Việt Nam mong muốn trở thành một nước công nghiệp. Và việc tập trung phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin trong thời qua là hợp lý. Các chương trình quốc gia, quỹ phát triển khoa học - công nghệ đã tập trung nguồn lực hỗ trợ, giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận với công nghệ mới. Nhà nước cũng tạo nhiều nguồn vốn hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, tăng năng suất, sẵn sàng trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết: “Đây là nỗ lực thể hiển những chỉ đạo rất đúng hướng của Chính phủ. Chúng ta sẽ tiếp tục tập trung cải thiện cả từ những trụ cột đầu vào, đầu ra, tăng cường thêm các chỉ đạo, giải pháp để môi trường kinh doanh, thị trường vốn và đầu tư, ứng dụng tri thức và công nghệ ngày càng hiệu quả hơn. Như vậy chúng ta sẽ đi vào chiều sâu và phát triển mạnh mẽ năng lực sáng tạo trong thời gian sắp tới. “

3/4 chặng đường của năm 2018 và nửa thời gian thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã trôi qua. Những kết quả khích lệ từ việc khơi thông các động lực của nền kinh tế, trong đó có cải cách thể chế, phát triển kinh tế tư nhân và thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ bước đầu cho thấy Chính phủ xác định đúng hướng mục tiêu cần tập trung, góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác