Khủng hoảng ngoại giao ở Trung Đông và những nỗ lực tháo ngòi xung đột

(VOV5) - Vùng Vịnh ở Trung Đông đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Chỉ trong vài ngày, hàng loạt các nước Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar để phản đối việc nước này ủng hộ chính trị, truyền thông và tài chính cho các tổ chức khủng bố. Trung Đông vốn chưa được bình yên thì nay cuộc khủng hoảng ngoại giao có thể đẩy khu vực vào những xung đột mới.

Chỉ trong vài ngày, Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), rồi Ai Cập, Bahrain và đến nay tổng cộng là 9 nước lần lượt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha, kèm theo là hàng loạt quyết định cứng rắn như đóng cửa không phận, hải phận, lệnh cho công dân rời Qatar về nước. Arab Saudi thông báo đóng cửa biên giới, cửa ngõ vận chuyển phần lớn lương thực vào Qatar. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các nước Arab tuyệt giao với một thành viên trong khu vực. Lý do chính thức được Riyadh và Abu Dhabi đưa ra là Doha “ủng hộ và tài trợ cho các tổ chức khủng bố”.

Khủng hoảng ngoại giao ở Trung Đông và những nỗ lực tháo ngòi xung đột - ảnh 1 Thủ đô Qatar

Nguyên nhân Trung Đông chia rẽ

Đến nay, cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh giữa Qatar và các quốc gia láng giềng đã kéo dài hơn 1 tuần và chưa có dấu hiệu lắng dịu. Giữa lúc căng thẳng vùng Vịnh đang dâng cao, hải quân Iran ngày 11/6 triển khai 2 chiến hạm đến Oman, quốc gia có chung biên giới với 3 trong số nhóm nước căng thẳng với Qatar là Arab Saudi, UAE và Yemen. Trước đó, Tehran đã điều 4 máy bay vận tải chở thực phẩm đến Qatar và dự định sẽ tiếp tế 100 tấn rau củ hằng ngày cho đối tác.

Theo các nhà quan sát, cuộc khủng hoảng là hệ quả bắt nguồn từ những căng thẳng, xung đột tích lũy trong thời gian dài ở thế giới Arab. Trừng phạt, cô lập Qatar vì sự ủng hộ của Qatar đối với “các tổ chức khủng bố” chỉ là cái cớ mà nguyên nhân sâu xa nằm ở những mâu thuẫn trước đó, căn nguyên từ chính sách ngoại giao độc lập mà Qatar bấy lâu nay theo đuổi, mối quan hệ  thân thiết với Iran hay quan điểm đối với Tổ chức Anh em Hồi giáo ở khu vực. Những bất đồng càng được khoét sâu thêm thông qua chiến dịch Mùa xuân Arab. Khi phong trào xuống đường phản đối chính phủ bùng nổ tại Ai Cập, Libya, Syria, Tunisia và Yemen vào mùa xuân năm 2011, khối các nước Arab bắt đầu xuất hiện chia rẽ. Một bên phản đối kịch liệt phong trào này, đứng đầu là Arab Saudi, Ai Cập và UAE. Bên còn lại là Qatar giữ thái độ trung lập. UAE cho rằng thái độ này của Doha là đi ngược lại với các thành viên khác của khu vực, bởi UAE xem phong trào Huynh đệ Hồi giáo như một mối đe dọa với hệ thống chính trị phổ biến của khu vực. Nguyên nhân sâu xa là cuộc cạnh tranh quyền lực ngầm tại vương quốc giàu dầu hỏa này với các quốc gia cùng có nguồn lực dầu mỏ.

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn

Trước tình hình căng thẳng hiện nay ở Trung Đông, cộng đồng quốc tế đang có nhiều nỗ lực xoa dịu căng thẳng, kêu gọi các bên bình tĩnh và giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. Mỹ kêu gọi các nước nới lỏng phong tỏa với Qatar, cho rằng diễn biến khủng hoảng ngoại giao chưa từng có này sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến chống nhóm khủng bố IS do Mỹ dẫn đầu. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng làm mọi điều có thể để giúp "tháo ngòi nổ" căng thẳng, cũng như giải quyết các vấn đề một cách hòa bình, đồng thời nhấn mạnh đối thoại phải là giải pháp tiên quyết trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ Qatar. Ông Erdogan yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa, đồng thời hối thúc Saudi Arabia khẳng định vai trò của mình nhằm thúc đẩy các quan hệ tốt đẹp trong khu vực. Cùng chung quan điểm với Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc  cũng lên tiếng ủng hộ các nước liên quan sớm có những hành động nhằm thu hẹp cách biệt và kiềm chế căng thẳng phát sinh.

Trong khi đó, Kuwait đang dẫn đầu nỗ lực giải quyết khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh. Quốc vương Kuwait Sabah ngày 12/6 khẳng định Kuwait sẵn sàng làm mọi điều để hàn gắn bất đồng giữa các quốc gia Arab. Quốc vương Sabah đã thăm Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar những ngày qua để tìm giải pháp ngoại giao, kêu gọi các bên đối thoại đàm phán nhằm tháo gỡ khó khăn cho cuộc khủng hoảng này. Qatar cũng tuyên bố hoan nghênh biện pháp này, sẵn sàng tìm kiếm hình thức đối thoại cởi mở và chân thành để giải quyết khủng hoảng. Một cuộc khủng hoảng toàn diện là điều không có lợi cho khu vực cũng như mỗi quốc gia. Nhiều chuyên gia nhận định và tin rằng cuộc khủng hoảng Qatar hiện nay chỉ là một thời khắc khó khăn khu vực và sẽ được tháo gỡ qua các kênh ngoại giao.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác