Kinh tế thế giới trước sức ép gía dầu giảm

(VOV5) - Lần đầu tiên trong hơn 5 năm qua, giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm sâu xuống dưới 60 USD/thùng, chỉ bằng 50% so với giá trước đó của mặt hàng này. Đáng chú ý là đến nay diễn biến này chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc giá dầu giảm trong những ngày cuối năm 2014 tuy có những tác động tích cực nhất định tới kinh tế thế giới nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro

Kinh tế thế giới trước sức ép gía dầu giảm - ảnh 1


Dầu lửa và khí đốt luôn là các mặt hàng chiến lược. Gía các mặt hàng này trồi sụt nhanh chóng luôn tác động lớn về mặt địa-chiến lược và địa-kinh tế, cả với các nước chịu ảnh hưởng cũng như các nước được hưởng thụ.

 Thời gian qua, giá dầu giảm sâu gây ngạc nhiên sau hơn 4 năm, giá nhiên liệu này luôn ở mức xấp xỉ 100 USD/thùng.

 

Nguyên nhân
Thị trường dầu mỏ thế giới bắt đầu chứng kiến đà giảm tốc của giá dầu sau cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, kiểm soát gần 40% thị thường dầu thế giới, hôm 28/11 tại Vienna. OPEC quyết định duy trì sản lượng dầu bất chấp đề nghị của một số nước thành viên muốn cắt giảm sản lượng để chặn đà giảm giá dầu thô trên thị trường thế giới.

 Trong khi nguồn cung có khả năng dư thừa thì nhu cầu tiêu thụ của nền kinh tế toàn cầu lại giảm cũng tác động mạnh vào giá dầu thô. Ngoài ra tình trạng giá “vàng đen” giảm mạnh còn do sản lượng khai thác ở Mỹ tăng, sự cạnh tranh gay gắt từ lĩnh vực khí tự nhiên.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký OPEC Abdalla Salem el-Badri nhận định rằng khi so sánh giữa cung và cầu, mức tăng nguồn cung là "khiêm tốn" và không thể dẫn tới việc giá dầu thô giảm tới 50% như hiện nay. Vì vậy, rất có thể đầu cơ là yếu tố khiến giá dầu giảm.

 

Kẻ khóc, người cười
Trên bình diện kinh tế, được hưởng nhiều nhất là những quốc gia phải nhập dầu lửa và khí đốt từ bên ngoài. Giá dầu giảm trong năm 2014 giúp ích khá nhiều cho các quốc gia nhập khẩu dầu lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và giúp kinh tế thế giới tăng trưởng thêm 0,5%.

 Tuy nhiên chuỗi ngày giảm giá kéo dài của mặt hàng chiến lược này tạo ra những tác động tiêu cực tới nhiều nền kinh tế trên thế giới. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nga là nước bị ảnh hưởng lớn nhất khi dầu lửa hiện vẫn chiếm tỷ lệ gần 80 % tổng xuất khẩu và đóng góp khoảng 50% ngân sách của Nga. Cứ 1 USD giá dầu giảm thì ngân sách nước Nga mất 2 tỷ USD và tính từ khi xảy ra khủng hoảng giá dầu đến nay, ngân sách nước Nga mất trên 100 tỷ USD. Trong diễn biến mới nhất, đồng tiền của nước Nga vừa lập đáy mới so với USD, do giá dầu giảm. Chiều 15/12 (giờ Moscow), rouble Nga xuống 60,49 rouble đổi một USD. Từ đầu năm, rouble đã mất giá hơn 45% so với USD.

Tiếp đó là Iran, đất nước Hồi giáo này chỉ cân đối được ngân sách khi giá dầu duy trì ở mức 136 USD/thùng. Venezuela và Nigeria chỉ cân đối được ngân sách nhà nước với mức giá 120 USD/ thùng.

 Giá dầu giảm mạnh cũng khiến các nhà đầu tư, các nước đã phát hiện ra mỏ dầu khí đốt mới ngần ngại. Họ không muốn đầu tư tiếp vào các mỏ dầu mới do không hiệu quả. Ngay tại Mỹ, các công ty dầu khí đã ngừng hoạt động 29 giàn khoan, nhiều nhất trong vòng 2 năm qua. Trên toàn lãnh thổ Mỹ chỉ còn 1.546 giàn khoan thăm dò đang hoạt động so với đỉnh cao 1.609 giàn hồi tháng 10.

Trên thị trường chứng khoán, sàn giao dịch chứng khoán Mỹ nhiều phiên rực đỏ do giá dầu thô trên thị trường thế giới lao dốc trong hơn 2 tuần qua. Chỉ số công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn doanh nghiệp lớn giảm trung bình 204 điểm, tương đương với 1,2%, xuống còn 17.391 điểm. Kể từ đầu tháng 12 tới nay, chỉ số Standard & Poor 500 đã bị mất giá 4,9%. Các chỉ số chứng khoán lớn của châu Âu cũng bị tác động mạnh.

 

Dự báo gía dầu trong thời gian tới
Trong bối cảnh giá dầu chưa có dấu hiệu phục hồi thì Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tiếp tục đưa ra dự báo không mấy lạc quan. Cụ thể, theo IEA, nhu cầu tiêu thụ dầu thô của toàn cầu trong năm 2015 có thể giảm từ 230.000 đến 900.000 thùng/ngày. OPEC cũng nhận định nhu cầu dầu thô trung bình của năm 2015 sẽ ở mức thấp nhất kể từ năm 2004 với 28,15 triệu thùng mỗi ngày.  

Một số chuyên gia dự báo, nếu OPEC không sớm can thiệp, cắt giảm sản lượng khai thác hàng ngày, giá dầu thô, về mặt kỹ thuật có thể giảm xuống mức 50 đến 55 USD/thùng, thậm chí 40 USD/thùng. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất ngày 15/12, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ  khẳng định vẫn sẽ không cắt giảm sản lượng hay họp khẩn.

Trước sự biến động phức tạp của giá dầu, Chính phủ Việt Nam đã chủ động ứng phó để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng. Theo đó, Việt Nam tăng cường dự trữ dầu thô đồng thời  tăng cường công tác nghiên cứu dự báo để điều chỉnh kế hoạch khai thác.

Việc giá dầu giảm sau nhiều năm duy trì mức giá ổn định rõ ràng có cả mặt tích cực và tiêu cực đối với kinh tế nhiều nước. Về lâu dài, những biến động của giá dầu đòi hỏi các quốc gia linh hoạt, hạn chế những bất lợi khi giá mặt hàng này đột ngột giảm sâu./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác