Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đổi mới công tác giám sát và phản biện

(VOV5) - Một trong những vấn đề quan trọng đặt ra tại Hội nghị lần thứ 7, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 7, vừa diễn ra trong tuần, là triển khai Quy chế giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần Hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây cũng  là nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong năm 2014 và những năm tới.


Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đổi mới công tác giám sát và phản biện - ảnh 1
Các đại biểu dự Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (khóa VII).

Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Lần đầu tiên trong Hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chức năng giám sát và phản biện được đề cập một cách có hệ thống và được cụ thể hóa bằng quy chế. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và 5 tổ chức chính trị xã hội thành viên là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện giám sát các cơ quan từ Trung ương đến cơ sở, các cán bộ đảng viên, đại biểu dân cử và các công chức, viên chức, đồng thời phản biện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.

Tăng cường nguồn nhân lực

Giám sát và phản biện xã hội là nội dung không mới nhưng được chú trọng đặc biệt trong hoạt động Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hiện nay, công tác giám sát và phản biện ở cơ sở mới chủ yếu qua hoạt động thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng. Cũng chỉ có một vài địa phương có đủ nguồn lực để đáp ứng yêu cầu, phần nhiều các tổ chức mặt trận địa phương còn lúng túng và thực hiện không hiệu quả do kinh phí và nguồn nhân lực còn hạn chế. Do vậy, nguồn nhân lực để thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội cần thiết phải được tăng cường. Ông Nguyễn Thanh Quang, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng, cho rằng: "Tôi nghĩ rằng công tác, tuyển dụng đào tạo cán bộ mặt trận phải thay đổi theo sự thay đổi của xã hội để vừa có tầm, có chuyên môn nghiệp vụ và có kiến thức, có sức khỏe, và có rất nhiều thứ nữa. Hơn nữa chế độ chính sách, thu hút và công tác đầu tư của chúng ta chưa có. Cho nên tôi đề nghị quan tâm đến việc đào tạo, tuyển dụng quy hoạch và phát triển cán bộ mặt trận đáp ứng được yêu cầu hiện nay trước đòi hỏi của xã hội hiện nay”.

Gần dân hơn nữa

Theo quy định, hoạt động giám sát và phản biện không được làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ông Đỗ Phượng, Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về khoa học, giáo dục của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng phải biết lựa chọn vấn đề giám sát phù hợp, vừa sức, sau đó mới tính đến vấn đề phản biện. Đặc biệt, Mặt trận các cấp phải thay đổi phương thức hoạt động để gần dân nữa. Ông Đỗ Phượng nhấn mạnh: “Nội dung giám sát cái gì và phản biện vấn đề gì phải được chọn lựa. Ví dụ như 2014 cần giám sát cái gì và từ đó đặt vấn đề là phản biện cái gì? Khi đặt vấn đề rồi thì ai giám sát, lúc đó chọn đại biểu có hiểu biết về lĩnh vực đó thực hiện giám sát thì lúc đó phản biện mới có giá trị.  Những người tiếp xúc phải là những người chuyên nghiệp được chỉ định. Phải đổi mới sao cho gần dân đây không được xa dân, phải như thế và chỉ có như thế thì Mặt trận mới làm tốt vai trò của mình”.

Ông Lù Văn Que, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân tộc của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng điều quan trọng khi triển khai quy chế giám sát và phản biện là cán bộ mặt trận phải hiểu được lòng dân. Mặt trận phải đi sâu nghiên cứu giải quyết các vấn đề một cách thiết thực cụ thể, tránh việc hô hào hình thức. Mặt trận không chỉ nghe dân nói, nói cho dân nghe mà phải làm cho dân tin. Đồng thời phải làm sao thể chế hóa được quy chế giám sát và phản biện thành luật thì hiệu quả giám sát và phản biện mới đi vào thực chất. Ông Lù Văn Que cho rằng: “Phải sớm điều chính và sửa đổi Luật Mặt trận. Ngay cả giám sát và phản biện cũng phải có luật.  Muốn triển khai thực hiện tốt thì phải thể chế hóa mới được”.

Năm 2014, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đặt trọng tâm của chương trình giám sát và phản biện là tập trung vào việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người có công, chính sách bảo hiểm xã hội và giám sát việc quản lý sử dụng vật tư nông nghiệp. Với những đổi mới trong nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc thì việc giám sát và phản biện xã hội sẽ đi vào thực chất và đạt hiệu quả thiết thực./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác