Mỹ - Triều trước hội nghị thượng đỉnh lần 2

(VOV5) - Dư luận hy vọng Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 không chỉ giúp tạo đà cho quan hệ Mỹ - Triều tiếp tục phát triển mà còn là bước ngoặt trong việc thiết lập một cơ chế hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên.

Chưa đầy 3 tuần nữa, cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 được mong đợi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong - un sẽ diễn ra tại Việt Nam. Thời điểm này, hai bên đang gấp rút thương lượng để chốt lại nội dung thảo luận đệ trình tại hội nghị thượng đỉnh. Sự nỗ lực của cả Mỹ và CHDCND Triều Tiên là cơ sở để dư luận quốc tế hy vọng về một trang sử mới cho nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.  

Mỹ - Triều trước hội nghị thượng đỉnh lần 2 - ảnh 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore ngày 12/6/2018 - Ảnh: AFP/ TTXVN

Thông tin Hội nghị thượng đỉnh lần 2 đã lan truyền từ lâu song phải đợi đến Thông điệp liên bang ngày 5/2 của Tổng thống Donald Trump, dư luận mới biết chính xác thời điểm và địa điểm diễn ra sự kiện chính trị quan trọng này. Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 tại Hà Nội trong 2 ngày 27 - 28/2, sau cuộc gặp đầu tiên diễn ra vào ngày 12/6 năm ngoái tại Singapore.

Ý nghĩa của thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2

Hội nghị thượng đỉnh lịch sử lần thứ nhất giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Tuyên bố chung được ký kết với lời hứa Mỹ sẽ cung cấp các đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, đổi lại Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc gặp này, tiến trình đàm phán không đạt tiến bộ vì hai bên bất đồng về cách diễn giải khái niệm "phi hạt nhân hóa".

 8 tháng sau Hội nghị thượng đỉnh lịch sử lần thứ 1, Hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên có nhiệm vụ thiết lập những bước đi cụ thể và có thể kiếm chứng về phi hạt nhân hóa. Chính phủ Mỹ hôm 31/1 đã công bố chi tiết những kỳ vọng của nước này, trong đó yêu cầu “một bản kê khai toàn bộ” kho vũ khí của Triều Tiên và một lộ trình nhằm giải giáp hạt nhân. Đổi lại, Mỹ sẵn sàng ký tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, tái lập các mối quan hệ ngoại giao và thúc đẩy phát triển kinh tế Triều Tiên.

Trong khi đó, chính khách nhiều nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thượng đỉnh song phương Mỹ - Triều. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận định cuộc gặp sẽ trở thành một bước ngoặt then chốt đối với tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên; góp phần thúc đẩy các nguyên tắc đã được nhất trí lên cấp độ cụ thể và xác thực, trong đó có quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như cơ chế hòa bình trên bán đảo này. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya thì cho biết Nhật Bản hy vọng sẽ có những kết quả cụ thể hơn so với cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa. Trung Quốc cũng ủng hộ cuộc gặp lần thứ hai giữa  Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được thực hiện một cách thuận lợi, đồng thời đạt được những kết quả tích cực.

Với giới quan sát, lịch trình 2 ngày (nhiều hơn 1 ngày so với Hội nghị ở Singapore) khiến họ suy đoán rằng hội nghị lần này có thể ra tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

Mỹ - Triều trước hội nghị thượng đỉnh lần 2 - ảnh 2

Ảnh minh họa - Nguồn: VTV

Chuẩn bị tích cực

Với tầm quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2, thời gian qua, cả Mỹ và CHDCND Triều Tiên khẩn trương tiến hành những nỗ lực ngoại giao để có thể thống nhất nội dung thảo luận. Hai bên đã tiến hành thành lập Nhóm đặc biệt về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Các cuộc họp cấp chuyên viên diễn ra dồn dập tại cả Bình Nhưỡng và các địa điểm khác để dung hòa các khác biệt. Trong tuần này, đàm phán vẫn tiếp tục diễn ra. Cả 2 bên đưa ra các yêu cầu, nỗ lực để đạt một "thỏa thuận lớn" tại cuộc gặp sắp tới.  "Cửa ải" lớn nhất trong đợt đàm phán lần này là làm rõ các bước phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và các bước đi tương ứng của Mỹ, trong đó nổi lên là việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, điều mà Bình Nhưỡng không ngừng yêu cầu trong thời gian qua. Các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên trong những ngày này đều kêu gọi Mỹ có "hành động thực tế tương ứng" đáp lại các bước đi phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, dự kiến ngày 17/2, Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiến hành cuộc gặp cấp cao lần thứ hai giữa lãnh đạo phụ trách vấn đề Mỹ và Triều Tiên của hai nước để đưa ra dự thảo về những vấn đề sẽ được thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, trong đó có vấn đề mấu chốt là lập trường của Mỹ liên quan tới phi hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Mối quan hệ giữa Wasington và Bình Nhưỡng đã có những chuyển biến tích cực từ giai đoạn chuẩn bị cho thượng đỉnh lần thứ nhất cho đến thời điểm này, dẫu vẫn còn có những thời điểm khá căng thẳng. Giờ đây, dư luận hy vọng Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 sắp tới tại Việt Nam không chỉ giúp tạo đà cho quan hệ Mỹ - Triều tiếp tục phát triển mà còn là bước ngoặt trong việc thiết lập một cơ chế hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác