Mỹ - Trung trong cuộc chiến thương mại

(VOV5) - 3 ngày qua, căng thẳng trong quan hệ thương mại Trung - Mỹ lại trở thành chủ đề nóng được dư luận quốc tế quan tâm khi 2 bên liên tiếp có những động thái đáp trả lẫn nhau xung quanh chính sách thuế.

Những động thái này chắc chắn ảnh hưởng đến kim ngạch thương mại 2 chiều, thậm chí tác động đến thị trường toàn cầu, song có lẽ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ không đẩy sự việc đi quá xa.

Ngay trước hạn chót (6/4) Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ phải công bố danh sách các sản phẩm của Trung Quốc có tổng trị giá 60 tỷ USD bị áp đặt mức thuế quan bổ sung theo quyết định của Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc tuyên bố tăng thuế 15% đến 25% (trị giá khoảng 3 tỷ USD) nhằm vào 130 sản phẩm của Mỹ. Tiếp đó, ngày 4/4, Trung Quốc công bố thêm danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế cao hơn trong đó có đậu tương, xe ô tô, thuốc lá, các chế phẩm từ ngô và bông sợi.

Mỹ - Trung trong cuộc chiến thương mại - ảnh 1ảnh minh họa (Ảnh: Reuters) 

Trong khi đó, ngày 3/4, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) nhanh chóng công khai danh sách khoảng 1300 sản phẩm của Trung Quốc bị áp đặt mức thuế bổ sung.

Mọi việc bắt đầu từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump căn cứ vào mức nhập siêu khoảng 375 tỷ USD trong năm qua của Mỹ với bạn hàng Trung Quốc, đã đánh thuế lên nhôm và thép của Trung Quốc. Kế tiếp, Nhà Trắng cho phép đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng trị giá 60 tỷ USD và yêu cầu Trung Quốc giảm 100 tỷ USD thâm hụt thương mại với Mỹ.

Đáp trả tương xứng

Bước đi của Trung Quốc trong những ngày qua đánh dấu sự trả đũa đầu tiên của 1 quốc gia kể từ khi ông Trump tuyên bố áp đặt thuế quan lên hàng loạt quốc gia hồi đầu tháng 3. Nếu như quyết định áp thuế 3 tỷ USD ngày 2/4 của Trung Quốc vào hàng hóa Mỹ được coi là động thái trả đũa khá chừng mực thì quyết định 2 ngày sau đó với việc đánh thuế 50 tỷ USD đã cho thấy sự tương xứng so với 60 tỷ USD mà Mỹ áp với Trung Quốc. Nói cách khác Trung Quốc đã mạnh tay đáp trả sự bảo hộ thương mại của đối tác Mỹ. 3 tỷ USD chỉ tương đương 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc nhưng 50 tỷ USD thì khác, nó chiếm tới hơn 33%.

Ngoài ra, có thể thấy trong số những mặt hàng của Mỹ bị Trung Quốc áp thuế đã bắt đầu xuất hiện những mặt hàng thiết thực với đời sống hàng ngày của 1,5 tỷ dân Trung Quốc như đậu tương, ô tô. Trong đó, đậu tương là mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Mỹ sang thị trường Trung Quốc, với giá trị xuất khẩu đạt 14 tỷ USD trong năm ngoái. Việc đánh thuế này có thể ảnh hưởng mạnh đến nông dân Mỹ, trong đó có một bộ phận không nhỏ cử tri bỏ phiếu cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.

Những bước đi mà Trung Quốc đang thực hiện đúng như những gì các quan chức của nước này tuyên bố là Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp trả với quy mô, số tiền và cường độ tương ứng.

Tương lai là đối thoại thay vì tiếp tục trả đũa

Ngay từ khi ông Trump khơi mào cho căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhiều người dự đoán sẽ có cuộc chiến thương mại xảy ra, đó là sự gia tăng các biện pháp thuế quan theo kiểu ăn miếng trả miếng.

Tuy nhiên sẽ không ai thắng trong một cuộc chiến thương mại. Việc Mỹ áp thuế trừng phạt chính sách sở hữu trí tuệ của Trung Quốc sẽ khiến người dân Mỹ phải chịu thiệt hại trước tiên. Gần một nửa trong số 505 tỷ USD hàng hóa mà Mỹ nhập từ Trung Quốc năm 2017 là sản phẩm tiêu dùng. Áp thuế với các mặt hàng này sẽ tác động ngay tới túi tiền của hàng chục triệu người Mỹ. Thuế suất áp với các mặt hàng nhập khẩu chính khác từ Trung Quốc, như máy tính, máy móc, thiết bị công nghiệp cũng sẽ khiến các công ty Mỹ lao đao, tăng giá thành và giảm cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Hàng trăm nghìn công nhân Mỹ có thể mất việc.

Về phía Trung Quốc, tuy Bắc Kinh đủ sức trả đũa nhắm vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn của Mỹ nhưng mọi chuyện không đơn giản. Nhiều sản phẩm công nghệ của Mỹ được lắp ráp tại Trung Quốc. Vì vậy, áp thuế cao những sản phẩm này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động Trung Quốc.

Đó là chưa kể đến việc các nền kinh tế khác trên thế giới cũng bị ảnh hưởng nếu cả Mỹ và Trung Quốc tiếp tục trả đũa nhau, thậm chí dẫn đến khủng hoảng kinh tế.

Vì bên nào cũng thiệt khi cuộc chiến thương mại xảy ra nên Bắc Kinh luôn kêu gọi Mỹ cùng tìm kiếm những biện pháp mang tính xây dựng nhằm đưa các mối quan hệ kinh tế song phương trở lại lành mạnh và ổn định.

Hơn nữa căng thẳng thương mại Trung-Mỹ khiến dư luận chú ý chưa hẳn đã mất kiểm soát. Hiện vẫn còn thời gian để 2 bên thúc đẩy đối thoại vì danh sách các mặt hàng của Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế còn cần lấy ý kiến các doanh nghiệp Mỹ.

Phản hồi

Các tin/bài khác