Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước

(VOV5) - Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước là một chủ trương lớn của Việt Nam.

Bàn về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước trong ngày làm việc hôm nay của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội nêu nhiều kiến nghị để bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước - ảnh 1

Hội nghị Trung ương 6, khoá 12 đã ban hành Nghị quyết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Phiên thảo luận về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước diễn ra 5 ngày,  sau khi Tổng bí thư Ban chấp hành TW Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Các ý kiến tại phiên thảo luận tập trung kiến nghị việc thu gọn cấp xã, tổ chức linh hoạt ở cấp tỉnh, giảm số lượng đơn vị trong các Bộ, ngành.

Hiện có 4 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước (không tính lực lượng vũ trang). Nhiệm vụ của các cơ quan trong bốn năm tới là giảm tối thiểu 400.000 biên chế.

Sắp xếp lại bộ máy cấp xã, sở, ngành cấp tỉnh

Quy định hiện hành yêu cầu cấp xã phải từ 30 km2 và 5.000 người trở lên, tuy nhiên cả nước có tới hơn 700 xã chưa đạt một nửa tiêu chí về dân số và diện tích tự nhiên, thậm chí nhiều xã - phường chưa đến một km2. Hiện trung bình mỗi xã có trên 20 công chức, chưa kể những người hoạt động không chuyên trách. Việc sáp nhập hàng trăm xã sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách cả nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ông Phạm Văn Hòa,  đại biểu Quốc hội tỉnh  Đồng Tháp, đề xuất: "Có lộ trình từ 2021, hợp nhất các xã, huyện không đạt tiêu chuẩn quy mô dân số diện tích. Khi các huyện, xã đã hợp nhất lại thì đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh sẽ ít đi. Nghiên cứu hợp nhất các tỉnh có đơn vị hành chính chưa đủ số lượng, quy mô dân số thấp. Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố như hiện nay là quá nhiều đầu mối. Đề nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi một số điều trong Hiến pháp là không có HĐND cấp huyện, xã, tăng đại biểu HĐND cấp tỉnh ở huyện thực hiện chức năng giám sát trên địa bàn huyện nơi mình ứng cử. Đề nghị thực hiện luôn Bí thư cấp ủy xã đồng thời là Chủ tịch UBND thống nhất trong cả nước".

Về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng phải phân cấp mạnh cho địa phương, không áp khung chung cho tất cả tỉnh, thành như trước mà tạo cơ chế mở, trao quyền chủ động cho cơ sở. Chính quyền địa phương được quyền xem xét, quyết định nên hợp nhất, giải thể, có thành lập hay không sở ngành nào để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tương tự, Trung ương chỉ quy định chung về số lượng cấp phó và địa phương được quyền bố trí cụ thể, miễn sao không vượt khung. Việc cắt giảm người làm lãnh đạo, quản lý sẽ giúp ngân sách bớt gánh nặng về phương tiện, trụ sở, phụ cấp... Bà Phương Thị Thanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, kiến nghị: "Chính phủ sớm rà soát chỉ đạo  ban hành các văn bản theo hướng  Chính phủ chỉ quy định tiêu chí thành lập và khung số lượng bên trong của các cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh của bộ, cần phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định việc thành lập hoặc không tổ chức phòng, chi cục trên điều kiện đặc thù của địa phương để thành lập cho phù hợp. Đề nghị các bộ khi quy định biên chế thì quy định khung để địa phương dễ thực hiện".

Giảm số lượng đơn vị trong các Bộ

Nhiều đại biểu thống nhất yêu cầu tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ. Thực tế cho thấy nhiều năm qua, số Tổng cục tăng gấp đôi, lên 42 đơn vị. Nghĩa là bộ máy có 42 Tổng cục trưởng, khoảng 200 Tổng cục phó, chưa kể các đơn vị bên trong tổng cục. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những cơ quan có chức năng tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp. Ông Phan Viết Lượng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, cho rằng: "Cần ưu tiên các nhiệm vụ giải pháp có tính đột phá, gắn với lộ trình cụ thể. Trước mắt  cần sửa đổi quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian. Quy định cụ thể về tiêu chí thành lập, số lượng đầu mối số biên chế, cấp phó của các vụ, cục cơ quan chuyên môn để sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong giảm đầu mối cơ quan quản lý , cán bộ lãnh đạo của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm phiền hà trong các thủ tục, tăng tính công khai minh bạch".

Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước là một chủ trương lớn của Việt Nam. Việc triển khai đồng bộ các biện pháp sẽ bảo đảm tính tổng thể, liên thông, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác