Nga -Triều Tiên xích lại gần nhau: Đôi bên cùng có lợi

(VOV5) - Tân Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Ri Su Yong đang tiến hành chuyến thăm Nga trong 10 ngày. Chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Bình Nhưỡng tới Moscow sau bốn năm gián đoạn quan hệ ngoại giao hai nước thu hút sự chú ý của các nhà quan sát. Những xoay chuyển của thời cuộc với chiều hướng bất lợi của mỗi nước trong quan hệ quốc tế thời gian gần đây, là những lý do khiến hai bên xích lại gần nhau.



Nga -Triều Tiên xích lại gần nhau: Đôi bên cùng có lợi - ảnh 1
Đồng rup được hai bên dùng để thanh toán xuất nhập khẩu. Ảnh: Vietnamnet

Suốt 60 năm qua kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn được ký giữa hai miền Triều Tiên, mối quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và các cường quốc luôn bị chi phối bởi hai nhân tố chủ yếu là địa chính trị và vấn đề hạt nhân. Trong trục quan hệ này thì các lợi ích và vai trò chi phối giữa các cường quốc là rất khác nhau. Có thể tạm chia làm hai phe gồm phe ủng hộ bao gồm Nga, Trung Quốc và phe chống đối gồm Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì vậy, lâu nay, vấn đề hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên, trong đó có vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, luôn ở tình trạng “bất khả thi” vì các cường quốc này không thể tìm ra “mẫu số chung” cho lợi ích của từng bên.

Trong bối cảnh đàm phán hạt nhân 6 bên rơi vào thế bế tắc, một Trung Quốc đang trỗi dậy với tham vọng rõ ràng ở  khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và cả Bình Nhưỡng và Moscow đều đang nhận những lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây thì việc củng cố lại mối quan hệ đối tác lâu năm Nga-Triều dường như là điều tất yếu.

Đôi bên cùng có lợi

Lâu nay, quan điểm nhất quán của Nga đối với vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên cũng như đối với Bình Nhưỡng nói riêng là luôn duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, tránh mọi khuấy động “binh đao” tại đây. Bởi bất cứ một sự can thiệp vũ trang nào trong khu vực này đều ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp Nga, đặc biệt là vùng lãnh thổ của Nga ở Viễn Đông. Chính vì vậy, Nga luôn xác định đối sách với Triều Tiên luôn là một thành phần quan trọng trong chiến lược hướng tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một CHDCND Triều Tiên đang đối đầu với Mỹ, muốn “từ bỏ giấc mơ Trung Hoa”, là lý do hoàn hảo để Nga thắt chặt quan hệ với Triều Tiên, giúp Nga cân bằng ảnh hưởng tại khu vực này. Hơn nữa, việc kéo được CHDCND Triều Tiên vào bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân, vốn đã rơi vào bế tắc từ năm 2008, là tham vọng của Nga nhất là trong bối cảnh hiện nay. Bởi nếu thành công, Nga sẽ củng cố được vị thế và tiếng nói của mình trên trường quốc tế, vốn đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine. Khác với Mỹ luôn có lập trường dứt khoát rằng chỉ cải thiện quan hệ một khi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, Nga lại sử dụng những khoản hỗ trợ để thuyết phục CHDCND Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán. Cụ thể, Moscow đồng ý xóa 90% số nợ từ thời Chiến tranh lạnh, ưu đãi thanh toán cho 10% nợ còn lại cho Bình Nhưỡng. Nhờ vậy, dưới con mắt của Bình Nhưỡng, Moscow đang thực sự trở thành người bạn lớn đáng tin cậy.

Về phía CHDCND Triều Tiên, trước hết xét về lợi ích kinh tế, còn gì thích hợp hơn thời điểm này để bắt tay hợp tác với Nga, quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 8 thế giới, khi Bình Nhưỡng đang gặp nhiều khó khăn do bị cô lập về kinh tế. Kể cả thời điểm thương mại song phương giảm sút, Nga vẫn là đối tác thương mại lớn thứ ba của CHDCND Triều Tiên, với dòng vốn luân chuyển hàng năm vào khoảng 100 triệu USD. Việc chính thức chuyển qua sử dụng đồng rúp thay vì sử dụng đồng EUR trong các vụ giao thương với Nga như trước đây từ tháng 6 vừa qua đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt trong quan hệ kinh tế hai bên. Bên cạnh đó, Nga chuẩn bị chuyển cho Triều Tiên danh sách các công ty Nga sẵn sàng tham gia những dự án khai thác khoáng sản rắn và đổi lại, Bình Nhưỡng sẵn sàng bán cho khu vực Primorsky (Viễn Đông Nga) vật liệu xây dựng và mua sản phẩm xăng dầu, nguyên liệu cho công nghiệp nhẹ và sản phẩm nông nghiệp của Nga.

Tạo đối trọng với nhiều đối tác có ảnh hưởng

Theo các nhà phân tích, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, sự hợp tác Nga-Triều hiện nay chắc chắn sẽ tạo cán cân đối trọng với nhiều đối tác khác đang có ảnh hưởng ở CHDCND Triều Tiên. Nhìn lại quá trình vài năm trở lại đây, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đã có hàng loạt động thái nhằm đưa đất nước giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Báo chí Triều Tiền thời gian gần đây bắt đầu xuất hiện những lời lẽ không mấy kín đáo nhắm vào đồng minh lâu năm. Đáng chú ý nhất, sắc lệnh nội bộ của Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên tháng 4/2014 đã yêu cầu các công ty thương mại quốc doanh Triều Tiên phải giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và tăng cường quan hệ thương mại với Nga cũng như các nước Châu Âu khác.

Dù vẫn duy trì liên hệ phi chính thức với Washington nhưng cơ hội để Bình Nhưỡng cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ cho đến nay gần như là con số không. Với Seoul, quan hệ giữa hai miền vẫn ở tình trạng đóng băng. Trong bối cảnh đó, việc Bình Nhưỡng tìm đến với Moscow là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, việc mỗi nước có tận dụng được tối đa cơ hội để đạt được mục đích của mình hay không còn cần thời gian trả lời. Thực trạng kinh tế, khoảng cách địa lý hay chính bản chất chính sách nội bộ của Bình Nhưỡng có thể là những trở ngại lớn đối với tiến trình cải thiện quan hệ đối tác Nga-Triều./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác