Ngoại giao đồng hành cùng doanh nghiệp Việt vượt khó, hội nhập

(VOV5) - Hội nghị Ngoại giao lần này tập trung đánh giá tình hình thế giới, đẩy mạnh công tác xây dựng ngành, nâng tầm ngoại giao đa phương, đẩy mạnh hội nhập.

Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 hôm nay chính thức khai mạc tại Hà Nội. Một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của Hội nghị lần này đặt ra là ngoại giao tiếp tục phải đóng vai trò đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh nhiều cạnh tranh, thử thách.

Với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12”,  Hội nghị Ngoại giao lần này tập trung đánh giá tình hình thế giới, đẩy mạnh công tác xây dựng ngành, nâng tầm ngoại giao đa phương, đẩy mạnh hội nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới.

Đánh giá đúng để hỗ trợ trúng  

Thời gian qua, ngoại giao đã phối hợp cùng các bộ, ngành thiết lập và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với 27 đối tác; thúc đẩy đàm phán và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do. 

Ngoại giao đồng hành cùng doanh nghiệp Việt vượt khó, hội nhập - ảnh 1Quang cảnh hội nghị 

Đây là những tiền đề chính trị, kinh tế và pháp lý đặc biệt giá trị để doanh nghiệp Việt Nam có thể kinh doanh bình đẳng, có lợi và được ưu đãi đáng kể trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, các chuyến thăm cấp cao cũng trở thành cơ hội để doanh nghiệp thường xuyên hiện diện, tham gia các diễn đàn kinh tế và ký kết những hợp đồng, dự án lớn trị giá hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, trên chặng đường hội nhập, những tác động của tình hình thế giới khiến doanh nghiệp là đối tượng đầu tiên hứng chịu những rủi ro. Chỉ riêng cách mạng công nghiệp 4.0 đã chứa đựng nhiều hệ quả lớn lao mà chúng ta đang chứng kiến hàng ngày. Sự phát triển của kinh tế chia sẻ, của thương mại điện tử, của khởi nghiệp sáng tạo, của các sản phẩm thông minh…Mặt khác, chỉ vài năm nữa, Việt Nam sẽ tham gia tổng cộng 16 hiệp định thương mại tự do với 59 đối tác và đến thời hạn thực hiện nhiều cam kết mở cửa đã ký kết. Làm thế nào để tiến lên giữa ma trận những quy định, luật lệ, ưu đãi ấy cũng là một câu hỏi lớn cho doanh nghiệp Việt.

Rõ ràng, trong bối cảnh mới ấy, làm sao để tìm ra công thức tối ưu để ngoại giao có thể thật sự kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp là câu hỏi được ngành ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài luôn trăn trở.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới

Ngoại giao đồng hành cùng doanh nghiệp Việt vượt khó, hội nhập - ảnh 2 Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc - Ảnh: VGP

Theo Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc, Việt Nam là một trong những nước có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, tuy nhiên về tổng thể vẫn có những chính sách cơ bản ổn định và điều này cần phải có sự nỗ lực đóng góp của các cơ quan đại diện ngoại giao tại Hoa Kỳ:

“Chúng tôi đặt ra mục tiêu quan trọng là duy trì môi trường thuận lợi để phát triển quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quan hệ thương mại, đầu tư. Chúng tôi nỗ lực để quan hệ hai nước theo chiều hướng đi lên, chủ động kết nối, để chính quyền mới thấy Việt Nam có vai trò, vị trí quan trọng tại châu Á – Thái Bình Dương và Việt Nam quan trọng với Hoa Kỳ. Điều đó tạo ra bối cảnh chung thuận lợi thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại đầu tư, thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam.”

Gìn giữ quan hệ tốt đẹp với nước sở tại, tạo môi trường thuận lợi nhất để thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, mở đường cho doanh nghiệp Việt tiến vào thị trường Nhật Bản cũng là hướng đi của cơ quan đại diện ngoại giao tại Nhật Bản.

Ngoại giao đồng hành cùng doanh nghiệp Việt vượt khó, hội nhập - ảnh 3Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường. 

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường chia sẻ: “Hiện nay, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất. Quan hệ càng tốt đẹp thì cơ hội tăng cường quan hệ giữa các doanh nghiệp lại càng lớn. Tới đây, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực sẽ là cơ hội rất lớn cho chúng ta khi đa phần các mặt hàng nông sản vào Nhật Bản chỉ bị áp thuế 0%.”

Có thể thấy, nhu cầu của doanh nghiệp hết sức đa dạng. Mỗi ngành nghề đều có những đặc thù riêng. Nhờ cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ nên mạng lưới cơ quan đại diện và cộng đồng doanh nghiệp đang trở thành đối tác chiến lược đáng tin cậy, cùng đồng hành trên con đường phát triển bền vững của đất nước. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH True Milk Ngô Minh Hải đánh giá: “Trong tất cả quá trình phát triển của Tập đoàn, đều có những dấu ấn sâu đậm của Ngoại giao Việt Nam, từ những ngày đầu khi TH True Milk bắt đầu sang Israel tìm hiểu những ứng dụng công nghệ tốt và phù hợp nhất với Việt Nam, tìm kiếm những đối tác tin cậy, đưa công nghệ của Israel vào ứng dụng trong chăn nuôi. Từ những thành công bước đầu, TH True Milk đã dần xây dựng được thương hiệu tốt, đưa sản phẩm và thương hiệu của mình ra với thế giới.”

Trong bối cảnh mới, ngành ngoại giao đang nỗ lực nhiều hơn, đồng hành, hỗ trợ, sẻ chia cùng doanh nghiệp, vượt khó để hội nhập thành công. Kịp thời trong tham mưu, nhanh nhạy trong hành động, đồng bộ trong triển khai, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngoại giao thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác