Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa X, về “Chiến lược Biển Việt Nam”

(VOV5) - Quốc hội đã ban hành nhiều nhiều văn bản pháp luật liên quan,  Chính phủ cũng đã  tích cực hiện thực hóa các nội dung mà Nghị quyết Trung ương đặt ra trong “Chiến lược biển Việt Nam”

Sau hơn 10 năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam” đến năm 2020 đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên so với mục tiêu đặt ra vào năm 2020, những kết quả đó vẫn còn khiêm tốn. Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XII khai mạc hôm nay tại Hà Nội, dành thời gian nghị sự để hoạch định việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này. Bài viết của Lê Bình “ Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa X, về “ hiến lược Biển Việt Nam”.

Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa X, về “Chiến lược Biển Việt Nam”  - ảnh 1

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về “Chiến lược biển Việt Nam” đến năm 2020, Quốc hội đã ban hành nhiều nhiều văn bản pháp luật liên quan,  Chính phủ cũng đã  tích cực hiện thực hóa các nội dung mà Nghị quyết Trung ương đặt ra trong “Chiến lược biển Việt Nam”, qua đó đã làm thay đổi căn bản diện mạo kinh tế biển Việt Nam.

Kết quả chưa xứng với tiềm năng

Các khu kinh tế ven biển của Việt Nam được thành lập, các đô thị ven biển được đầu tư phát triển, hệ thống hạ tầng giao thông được xây dựng, các ngành như hàng hải, khai thác hải sản ngày càng hiện đại hóa, ngành khai thác dầu khí tiếp tục có những đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước; công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo được giữ vững, nhiều trang thiết bị quốc phòng mới, hiện đại đã được đầu tư, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới… Tuy nhiên, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, những kết quả đó vẫn chưa tương xứng  với kỳ vọng. Ông Nguyễn Chu Hồi cho rằng: Để phát triển tôi cho rằng vẫn phải củng cố vùng duyên hải với tư cách là vùng kinh tế động lực và sớm kết nối không gian của duyên hải với không gian của đảo. Bởi vì hệ thống đảo là sự phân hóa lãnh thổ tự nhiên sẽ cho chúng ta thế và lực mới nếu chúng ta tranh thủ được nó. Tôi cho rằng bên cạnh chuỗi đô thị ven biển thì chúng ta cũng cần hình thành các đô thị đảo, nó hình thành các cực phát triển để thu hút, đồng thời kết nối với đất liền, gia tăng sức mạnh của Việt Nam trên biển và mở rộng bán kính ảnh hưởng ra các vùng biển còn lại của đất nước.

Mục tiêu cụ thể  của  “Chiến lược biển Việt Nam”  đến năm 2020 là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; phấn đấu kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước. Cùng với việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển, có thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước, Việt Nam cũng xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở ven biển; xây dựng cơ quan quản lý tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả, mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển".

Thực hiện những bước đột phá trong thời gian tới

Để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa X, về “Chiến lược Biển Việt Nam” đến năm 2020,Việt Nam cần thực hiện những khâu đột phá trong thời gian tới. Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng: Vấn đề thứ nhất là thể chế, cần tạo hành lang pháp lý tốt hơn nữa. Thứ 2 là khoa học công nghệ, thứ 3 là nguồn nhân lực chất lượng cao đón vai trò đột phá và xuyên suốt chứ không phải dựa vào tài nguyên. Đó là 3 khâu đột phá mà chúng ta nhấn mạnh.

Còn theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược và đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần thay đổi cách thức thực hiện trong từng lĩnh vực cụ thể để đạt được các mục tiêu đề ra trong “Chiến lược Biển Việt Nam” đến năm 2020: "Tôi cho rằng thời gian còn lại ngắn nên không cần phải sửa lại mục tiêu, quy hoạch nhưng tôi rất là mong muốn trong rất nhiều các lĩnh vực cụ thể thì chúng ta phải thay đổi cách thức thực hiện. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XII của chúng ta cũng đã chỉ ra nhiều cách, trong đó là phải có tư duy thị trường, xã hội hóa các nguồn lực. Thực hiện theo một phương thức mới chứ không phải như trước đây nữa". 

Cùng với việc tổng kết 10 năm thực hiện “Chiến lược Biển Việt Nam” đến năm 2020 nhằm đánh giá chính xác những kết quả mà Việt Nam đã đạt được, Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XII trong những ngày tới sẽ hoạch định những giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa những mục tiêu mà “Chiến lược biển Việt Nam” đến năm 2020 đã đề ra.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác