Phát huy nguồn lực kiều bào xây dựng đất nước, quê hương

(VOV5) -cả nước hiện có 3.546 doanh nhân Việt kiều ở Hoa Kỳ, Australia, Nga, Pháp, Hà Lan, Canada, Nhật Bản… tham gia đầu tư tại 51/63 tỉnh, thành phố với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 8,4 tỷ USD. 

Việt Nam hiện có khoảng 4,5 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập và lao động tại 109 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những ngày này, hàng triệu kiều bào đang trở về vui xuân, đón Tết ở quê hương, cũng là để tìm các cơ hội đầu tư, phát triển ngay trên đất nước của mình. Từ trước đến nay, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách để phát huy nguồn lực kiều bào.

Phát huy nguồn lực kiều bào xây dựng đất nước, quê hương - ảnh 1 Quang cảnh chương trình “Xuân Quê hương 2018 – Việt Nam Rạng ngời tương lai” diễn ra ngày 7/2/2018. Ảnh Dân trí

Trong cuộc gặp gỡ kiều bào ở Chương trình Xuân Quê hương 2018 tổ chức ngày 8/2 tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, kiều bào ở nước ngoài là một phần máu thịt không thể tách rời. Chủ tịch nước mong muốn đồng bào Việt Nam ở nước ngoài muôn người như một, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, đồng lòng cùng đồng bào cả nước xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.

Ấm áp trong tình thân đất nước 

Tiến sỹ Phan Bích Thiện, Việt kiều ở Hungari, người có trên 30 năm sống tại nước ngoài, nhưng mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc, bà lại cố gắng thu xếp công việc để được về đón Tết quê hương.

Phát huy nguồn lực kiều bào xây dựng đất nước, quê hương - ảnh 2Tiến sĩ Phan Bích Thiện, Việt kiều Hung ary  

Gắn bó với quê hương, có nhiều dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, bà Phan Bích Thiện cho rằng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với kiều bào rất cụ thể bằng những việc như thăm hỏi cộng đồng, ghi nhận tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của bà con, hay như đã tháo gỡ vấn đề về đăng ký quốc tịch, tạo điều kiện cho kiều bào mua nhà tại Việt Nam v.v... Trước những quan tâm ấy, bà Phan Bích Thiện cảm nhận nơi chôn nhau, cắt rốn rất gần gũi, ấm áp:   

Chúng tôi nhận thấy một sự thay đổi rất rõ rệt đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với khối Việt kiều ở nước ngoài. Đơn cử như việc chúng tôi là những kiều bào ở nước ngoài nhưng mà có đại diện, có tiếng nói trong Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tôi nghĩ đó là một khẳng định rất rõ ràng là vị trí của kiều bào ở nước ngoài đã được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trò chuyện với bà con kiều bào cũng như với những người làm công tác chăm lo, kết nối kiều bào mỗi dịp bà con về thăm quê hoặc xúc tiến đầu tư kinh doanh, mọi người đều nhắc đến Chỉ thị 45 hay Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Những chính sách này thể hiện quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng cộng san Việt Nam nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông Trần Hoà Phương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết chính quyền thành phố mang tên Bác luôn tạo điều kiện và lắng nghe kiều bào trong quá trình xây dựng Thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Ông Phương nói:  Các ngành, các sở, các địa phương trên địa bàn thành phố phối hợp chặt chẽ và thường xuyên liên hệ với kiều bào để biến được những ý tưởng, dự án, những kiến nghị, đề xuất của bà con kiều bào vào cuộc sống trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố. Làm sao phát huy được sức mạnh của kiều bào trong đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công.

Phát huy nguồn lực tiềm năng

Thực hiện phương châm cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam có nhiều chủ trương, chính sách phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, thu hút nhân lực, vật lực của bà con kiều bào hướng về phát triển đất nước. Để kêu gọi đầu tư từ doanh nhân Việt kiều, Việt Nam đã tiến hành cải cách nhiều thủ tục đầu tư cũng như việc cư trú, đi lại, ưu đãi cho doanh nghiệp kiều bào.

Nhờ vậy, cả nước hiện có 3.546 doanh nhân Việt kiều ở Hoa Kỳ, Australia, Nga, Pháp, Hà Lan, Canada, Nhật Bản… tham gia đầu tư tại 51/63 tỉnh, thành phố với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 8,4 tỷ USD. Các dự án đầu tư của kiều bào tập trung vào những lĩnh vực bất động sản, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, du lịch, công nghệ phần mềm, dịch vụ dầu khí, sản xuất điện, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản… Thông qua hoạt động đầu tư của kiều bào, các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình tích hợp với thị trường quốc tế, nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Về lượng kiều hối, Việt Nam hiện nằm trong số 10 nước nhận kiều hối hàng đầu thế giới. Tính đến tháng 12/2017, lượng kiều hối về Việt Nam đạt mức 5,2 tỉ USD, tăng 6% so với năm 2016. Trước đây, kiều hối được gửi về chủ yếu cho người thân, nhưng nay kiều bào đã quan tâm hơn đến việc đầu tư kinh doanh theo quy mô gia đình hay liên kết đầu tư.

Do đó, kiều hối và việc kiều bào tăng cường đầu tư về nước có ý nghĩa không nhỏ đối với sự phát triển của đất nước. Những thành tựu của đất nước đạt được năm qua có sự chung tay, góp sức quan trọng từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác