Phát triển doanh nghiệp- động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế

(VOV5) - Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản  khóa 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước vừa ban hành và Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, vừa được Quốc hội thông qua, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Phát triển doanh nghiệp- động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế - ảnh 1 Việt Nam đề ra mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là thời điểm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa được phát huy tối đa vai trò trong sự phát triển của kinh tế đất nước. 

Chủ trương của Đảng về doanh nghiệp nhà nước là đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thay đổi mô hình quản trị, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo mô hình tiên tiến trên thế giới.

Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Theo các chuyên gia kinh tế, Đảng và Chính phủ đã nhìn nhận rõ tại thời điểm này, doanh nghiệp nhà nước không được cổ phần hóa thì sẽ tạo ra ách tắc cho nền kinh tế. Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: "Chúng ta đang hoàn thiện về mặt thể chế nhà nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển đó là một tín hiệu rất tốt, rất tích cực. Riêng về vai trò kinh tế của nhà nước thì khá rộng. Cải cách kinh tế nhà nước đã được tiến hành vài chục năm nay rồi. Bây giờ đã đến giai đoạn đặt định vị cho doanh nghiệp nhà nước đúng chỗ".

Cả nước hiện có hơn 700 doanh nghiệp nhà nước. Có hai phương án để thực hiện cổ phần hóa hiệu quả các doanh nghiệp này. Một là nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lên trở thành một tổng công ty lớn hơn và quản lý tài sản nhà nước. Hai là tạo ra cơ quan riêng biệt trực thuộc chính phủ để quản lý các doanh nghiệp nhà nước còn lại. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Thành phố Hồ Chí Minh, nêu ý kiến: “Điều kiện đầu tiên để cải cách doanh nghiệp nhà nước là giảm số doanh nghiệp nhà nước xuống. Nếu như doanh nghiệp nhà nước khoảng độ 15-25-30 lúc đó mô hình quản lý mới khả thi. Bước thứ hai, nhà nước theo nguyên tắc chọn bỏ. Nhà nước giữ lại từng này doanh nghiệp thôi, còn những doanh nghiệp còn lại sẽ được cổ phần hóa theo lộ trình, lúc đó mới có cơ hội cải cách doanh nghiệp nhà nước”.

Theo các chuyên gia, đối với các doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn hiệu quả, cần rà lại cơ chế, việc quản lý, tổ chức quản trị như thế nào để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn nữa.

Động lực để hoàn thành mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

Là người luôn đồng hành và thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết việc Quốc hội thông qua dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là một bước cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân, góp phần tạo ra sự phát triển bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, mong muốn có sự thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn lực về đất đai, tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp cho nền kinh tế. Ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh: "Khi Luật ban hành thì sự kỳ vọng lớn nhất đó là tổ chức triển khai phải nhanh, các địa phương thì phải quan tâm đến sự hỗ trợ cho doanh nghiệp. Kỳ vọng thứ 2 là nói đến hỗ trợ thì phải quan tâm đến nguồn lực để hỗ trợ. Trong đạo luật mới tôi hy vọng sẽ thu hút được nguồn lực trong xã hội. Kỳ vọng tiếp theo nữa là chúng ta phải hỗ trợ được cho  các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh".

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng sớm triển khai Nghị quyết Trung ương 5 về  cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, đồng thời là động lực để Việt Nam đạt mục tiêu có khoảng 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 như đã đề ra.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác