Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam

(VOV5) - Nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đang kêu gọi doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ logistics toàn cầu bởi đây là một trong các ngành dịch vụ có ý nghĩa quan trọng trong thương mại quốc tế.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp vừa và nhỏ APEC 2017 đang diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, là dịp để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam giao lưu, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệp, khó khăn trong việc phát triển. Đây cũng là cơ hội để Chính phủ Việt Nam hoàn thiện các cơ chế hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững.

Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam - ảnh 1 Bàn các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường năng lực sáng tạo. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện chiếm gần 98% số doanh nghiệp của Việt Nam, đóng góp 40% vào GDP, 30% vào tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết 50% công ăn việc làm cho xã hội. Tuy nhiên, do quy mô vốn nhỏ nên các DNNVV không có điều kiện đầu tư nhiều vào nâng cấp, đổi mới máy móc, mua sắm thiết bị công nghệ hiện đại. DNNVV cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm, thâm nhập thị trường và phân phối sản phẩm do thiếu thông tin về thị trường, công tác marketing còn kém hiệu quả. Điều đó làm cho các mặt hàng của DNNVV khó tiêu thụ trên thị trường, năng lực kinh doanh còn hạn chế.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tìm hướng đi mới trong bối cảnh toàn cầu hóa

Tại Hội thảo APEC O2O Forum trong Tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp vừa và nhỏ APEC 2017, đang diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu là nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, diễn giả đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, cho rằng: DNNVV phải có một định hướng chiến lược trong quá trình phát triển. Ông Trần Văn Phát, Giám đốc điều hành Công ty Robot, chia sẻ: “Doanh nghiệp Việt Nam cần phải tham gia nhiều hơn các diễn đàn kinh tế bởi kinh tế bây giờ là hội nhập toàn cầu và Đông Nam Á vẫn nằm trong dòng dịch chuyển. Nên nếu chúng ta không chuẩn bị trước không những chống lại sự xâm thực của nền kinh tế nước ngoài mà còn phải mở rộng quan hệ kinh tế theo dòng chảy của kinh tế thế giới. Có như vậy doanh nghiệp vừa và nhỏ mới có cơ hội tồn tại và phát triển”.

Nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đang kêu gọi doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ logistics toàn cầu bởi đây là một trong các ngành dịch vụ có ý nghĩa quan trọng trong thương mại quốc tế. Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Công ty Tri thức hậu cần, thành viên Ban Đào tạo của Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam, cho rằng: Ngành logistics tạo cơ hội to lớn cho sự tham gia của các DNNVV của Việt Nam. Hiện DNNVV Việt Nam rất tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tìm hiểu kinh nghiệm từ các nền kinh tế khác, từ đó có thêm những giải pháp và hành động cụ thể để phát triển. Việt Nam đã có Chương trình hành động quốc gia về phát triển dịch vụ logistics, chính vì vậy khi phát triển và quản lý logistics tốt từ cả phía chính phủ và doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Ông Trần Chí Dũng cho biết thêm: “Để doanh nghiệp có thể hiểu và tiếp cận được chương trình này thì phải có những hoạt động khác nhau. Chia ra thành từng nhóm, như là về phía nhà nước cần có những chính sách mới, có chi phí để các cơ quan nhà nước xúc tiến các hoạt động triển khai thu hút doanh nghiệp tham gia.

Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện tốt nhất cho DNNVV phát triển”.

Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 là bước đi hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Phát biểu tại hội nghị phát triển DNNVV mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính phủ đã nhận diện được những rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp: “Để sản phẩm hàng hoá ra thị trường còn rất nhiều vướng, mất thời gian của doanh nghiệp. Các quy định về công nhận doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có nhiều nhưng chưa đi vào cuộc sống. Nhân đây tôi nói luôn, tinh thần các vị nêu, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp thu, để xây dựng thể chế, chính sách bình đẳng giữa công và tư nhân, phù hợp thông lệ quốc tế”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu tình trạng DNNVV tiếp cận tín dụng dụng còn khó khăn; việc cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường của các cơ quan chức năng còn hạn chế. Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ cam kết sẽ tập trung giải quyết hai vấn đề then chốt. Đầu tiên là tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật. Trong đó, Chính phủ sẽ có giải pháp giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp: “Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước. Đây là khoản đang đè nặng lên doanh nghiệp mà chúng ta phải nghiên cứu để giảm bớt cho doanh nghiệp”.

Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ trên nền tảng kỹ thuật số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên nền tảng công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác