Quan hệ Mỹ-Trung: Những khác biệt khó khỏa lấp

(VOV5)- Quan hệ Mỹ-Trung đang có những diễn biến khá căng thẳng. Nguyên nhân của những rạn nứt mới nhất trong quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới bắt nguồn từ những tranh cãi về vấn đề Biển Đông. Trong bối cảnh Bắc Kinh đang tiến hành hàng loạt các hoạt động cải tạo, bồi đắp, thay đổi hiện trạng các đảo trên Biển Đông, Washington ngày càng tỏ rõ thái độ của mình bằng những thông điệp cứng rắn và đưa ra những “lằn ranh đỏ” trong quan hệ với Bắc Kinh.

Quan hệ Mỹ-Trung: Những khác biệt khó khỏa lấp - ảnh 1
Ảnh: politico

Kể từ khi Washington công bố và bắt đầu thực hiện chính sách “tái cân bằng” về chính trị và quân sự với Châu Á, quan hệ giữa hai cường quốc càng gặp nhiều bất đồng. Mặc dù, cả hai bên đều khẳng định quan hệ song phương vẫn “ổn định” nhưng để kiểm soát quan hệ song phương đi đúng hướng, cả Bắc Kinh và Washington đều hiểu không dễ dàng gì.

Thách thức trật tự an ninh khu vực
Như để khẳng định chính sách chuyển dịch trọng tâm sang Châu Á, trong chuyến công du hai ngày tới Trung Quốc vừa kết thúc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tái khẳng định cam kết kiên quyết của Mỹ sẽ bảo vệ các đồng minh ở khu vực và bắt đầu vẽ ra phần nào giới hạn đỏ tại những vùng biển mà Bắc Kinh cho rằng có chủ quyền. Tại cuộc gặp với các quan chức cao cấp Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Vương Nghị, ông J.Kerry khẳng định quyết tâm “sắt đá” của Mỹ trong việc bảo vệ các lợi ích của Washington và đồng minh trên biển Đông, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh có hành động để tháo ngòi căng thẳng trên biển Đông, tham gia đối thoại cùng các nước ASEAN.

Tuy nhiên, thay vì cùng nhất trí về một giải pháp ngoại giao cho khu vực để có thể tiến tới thỏa thuận và đi đến một quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc, người đồng cấp của ông J.Kerry lại tỏ rõ lập trường cứng rắn khi thẳng thừng tuyên bố Trung Quốc quyết bảo vệ chủ quyền “bất di bất dịch” của mình.

Liệu có nguy cơ đụng độ quân sự trên biển Đông
Việc Mỹ ngày càng ráo riết trong vấn đề Biển Đông cũng bắt nguồn từ căng thẳng ngày càng gia tăng tại khu vực. Hơn 1 năm qua, việc Philippines, đồng minh của Mỹ, liên tục lớn tiếng chỉ trích các hoạt động cải tạo lấn biển của Trung Quốc, đã phần nào thu hút chú ý của thế giới. Philippines đã thúc giục Mỹ đưa ra quan điểm mạnh mẽ hơn và đây là cơ hội để Mỹ không để mất cơ hội nâng tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực. Là một đường hàng hải quan trọng, bất kỳ sự bất ổn nào tại Biển Đông sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn tới nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ. Do đó, từ chỗ không phải là vấn đề song phương quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc hay với các quốc gia Đông Nam Á, giờ đây Biển Đông lại trở thành một chủ đề hàng đầu trong chính sách của Mỹ ở Châu Á. Bộ Ngoại giao Mỹ từng tuyên bố rằng, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là "ưu tiên ngoại giao hàng đầu" của Mỹ. Mỹ lo ngại rằng hoạt động cải tạo và quân sự hóa tại Biển Đông sẽ là “khúc dạo đầu” cho việc Bắc Kinh tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không tại đây, tương tự như với Biển Hoa Đông năm 2013. Vì vậy, Mỹ quyết định phát tín hiệu với Trung Quốc và thế giới rằng hoạt động gần đây của Trung Quốc đã đi “quá xa”.

Trên thực tế, vấn đề Biển Đông đã trở thành mối quan tâm trên chính trường Mỹ. Các quan chức hàng đầu phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã có cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về vấn đề này. Tại sự kiện này, các thượng nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải phản ứng mạnh mẽ hơn về những hành động của Trung Quốc trên các vùng biển ở Đông Á. Trước đó, quân đội Mỹ đã có cuộc họp để cân nhắc việc sử dụng tàu và máy bay của lực lượng hải quân thực hiện tuần tra tại khu vực cách những bãi đá mà Trung Quốc đang cải tạo ở Biển Đông ngoài khoảng 12 hải lý để bảo đảm tự do hàng hải, khiến Trung Quốc quan ngại sâu sắc. Trong nhiều năm, thường là mỗi năm 1 lần, Mỹ đều cử một đội tàu chiến tới Biển Đông. Cùng với việc tăng cường các cuộc tập trận chung với các đồng minh, sự ghé thăm của các nhóm tàu chiến Mỹ thời gian gần đây rõ ràng là thông điệp nhằm vào Bắc Kinh, thách thức chiến lược gia tăng chủ quyền của Trung Quốc. Nguy cơ xung đột trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc, theo các nhà quan sát, hoàn toàn có khả năng xảy ra bởi chính sách chuyển trục chiến lược sang Châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống B.Obama đang tạo ra sự đối đầu không tránh khỏi giữa hai quốc gia

Những khác biệt khó khỏa lấp
Không chỉ có quan điểm khác biệt trong vấn đề Biển Đông, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn vướng mắc trong không ít hồ sơ từ thương mại, nhân quyền đến an ninh mạng... Vì thế, bên cạnh sự hợp tác trên các lĩnh vực biến đổi khí hậu, CHDCND Triều Tiên và chương trình hạt nhân Iran, những khác biệt chưa được thu hẹp vẫn là một đặc điểm trong quan hệ Mỹ - Trung. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Kerry, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định mong muốn phát triển mối quan hệ Mỹ - Trung lên một tầm cao mới. Căn cứ vào xu hướng vận động của nền chính trị và kinh tế thế giới, sự hợp tác giữa hai cường quốc là tất yếu. Song triển vọng của mối liên kết này sẽ chặt chẽ và ấm nồng đến đâu lại phụ thuộc vào việc dung hòa khác biệt ở mức nào, nhất là khi Mỹ chưa thay đổi chiến lược xoay trục về Châu Á và sự ổn định của khu vực này là lợi ích cốt lõi của Washington./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác