Quốc hội bàn về các biện pháp phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2015

(VOV5) - Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII tập trung bàn các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2015. 

Bên cạnh những kết quả và chuyển biến tích cực, đất nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đoàn kết nhất trí, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2015.

Quốc hội bàn về các biện pháp phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2015 - ảnh 1
Thủ tướng khẳng định: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nội dung có ý nghĩa quyết định đối với phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Theo Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt kết quả trên hầu hết các lĩnh vực. Chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng tăng 0,04%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8,2%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 5%, đạt 4,2 tỷ USD. Tổng sản phẩm quốc nội GDP quý I tăng 6,03%, cao nhất trong 5 năm qua. Trên lĩnh vực kinh tế đối ngoại, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc; đồng thời chuẩn bị ký với Liên minh kinh tế Á - Âu và tiếp tục đẩy mạnh đàm phán FTA với các đối tác lớn khác. 

Cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng là một trong những nhiệm vụ được Quốc hội giao Chính phủ ưu tiên chỉ đạo, điều hành từ này đến cuối năm. Theo đó, Chính phủ chủ động điều hành linh hoạt, hiệu quả và phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Đồng thời phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ông Hoàng Ngọc Dũng, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, cho biết: “Tôi mong muốn Chính phủ sắp tới có những giải pháp tích cực phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chính phủ đầu tư hơn nữa cho nông nghiệp phát triển nông dân và nông thôn. Đặc biệt là đầu tư cho những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.


Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng 
Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cũng là giải pháp được coi trọng. Trong báo cáo tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, tích cực phòng chống tham nhũng, lãng phí. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực. Phấn đấu hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 289 doanh nghiệp Nhà nước. Tiếp tục rà soát, bổ sung doanh nghiệp cần cổ phần hóa, bán phần vốn nhà nước. Hỗ trợ phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình; khuyến khích hình thành doanh nghiệp lớn, thương hiệu mạnh, có khả năng cạnh tranh trong nước và khu vực.

Quốc hội bàn về các biện pháp phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2015 - ảnh 2


Các đại biểu Quốc hội đồng tình cao với với quyết sách của Chính phủ. Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, cho rằng: Đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế là bước quyết định vì nó có tính kết nối sang những năm sau. Theo tôi, giải pháp quan trọng nhất trong vòng 3 năm tới, Chính phủ cần phải kiên quyết đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, trước mắt phải thực hiện quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công. Đi kèm với nó mới là các cơ chế, chính sách, văn bản pháp quy.


Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015. Trong đó phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP là 6,2%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động…


Trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế Việt Nam đã bước qua giai đoạn khủng hoảng và đang dần hồi phục. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, góp phần quan trọng để Quốc hội đưa ra Ngị quyết thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2015, tạo tiền đề trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm tiếp theo.cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 Đây cũng chính là nguyện vọng, mong muốn của nhân dân, cử tri cả nước./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác