Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng

(VOV5) - Ðảng, Nhà nước Việt Nam đã có các chế tài xử lý đối với người có hành vi tham nhũng, trong đó, hình thức xử lý kỷ luật đảng rất nghiêm khắc.

Liên tiếp trong thời gian gần đây, Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa ra các kết luận liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng và khẳng định không có vùng cấm trong công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam. Công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam đang được đẩy mạnh trên thực tế.

Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng - ảnh 1

Ảnh minh họa: Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với Tỉnh ủy Hà Nam.

Những ngày này, 8 đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đang kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng tại 20 địa phương và các bộ ngành trong cả nước nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian tới.

Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng

Có thể nói, ở đâu có lợi ích, ở đó dễ xảy ra tình trạng tham nhũng. Nhiều năm qua, Ðảng, Nhà nước Việt Nam thường xuyên chỉ đạo, đưa ra các phương hướng, giải pháp phòng, chống tham nhũng. Mục tiêu đặt ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Ðảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính; gắn phòng, chống tham nhũng lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và phát huy dân chủ …

Giải pháp được chỉ đạo tiến hành trong công tác phòng, chống tham nhũng là rất mạnh mẽ, trong đó chú trọng các biện pháp xử lý hành vi tham nhũng. Theo đó, người có hành vi tham nhũng bị xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh về trách nhiệm chính trị, hành chính hoặc hình sự, bất kể người đó là ai và ở cương vị nào. Ðảng viên có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút, dù cơ quan chức năng chưa kết luận, cấp ủy Đảng vẫn xem xét, cân nhắc bố trí công việc khác.

Công tác phòng chống tham nhũng chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng, trừng trị nghiêm khắc những đối tượng tham nhũng có tổ chức, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhanh chóng bổ sung vào Bộ luật Hình sự các hành vi tham nhũng mới được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng; chú trọng các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng.

Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng - ảnh 2 Ảnh minh họa: Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ngành liên quan tỉnh Lai Châu. 

Ðảng, Nhà nước Việt Nam đã có các chế tài xử lý đối với người có hành vi tham nhũng, trong đó, hình thức xử lý kỷ luật đảng rất nghiêm khắc. Theo Quy định số 94-QÐ/TW ngày 15-10-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm nói chung thì "Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật; đồng thời quy định rõ 10 nhóm tình tiết tăng nặng mức kỷ luật đối với đảng viên tham nhũng.

Không có vùng cấm trong xử lý hành vi tham nhũng

Ðiều 69 Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam quy định về việc xử lý đối với người có hành vi tham nhũng như sau: Người có hành vi tham nhũng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự; trong trường hợp bị kết án về hành vi tham nhũng và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì phải bị buộc thôi việc; đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong các cuộc tiếp xúc với nhân dân đều khẳng định không có vùng cấm trong việc xử lý các đối tượng tham nhũng.

Về bình diện pháp luật, người có hành vi tham nhũng tùy mức độ, tính chất hành vi mà có thể bị áp dụng các hình thức chế tài khác nhau. Nghiêm khắc nhất là các chế tài hình sự với mức hình phạt thấp nhất từ 2 đến 7 năm tù, cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, tùy từng trường hợp mà người phạm tội có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định; phạt tiền; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Trường hợp gây thiệt hại tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Các chế tài xử lý tham nhũng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn được liên tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo hướng nghiêm khắc và đầy đủ. Mới đây, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức hội thảo Hoàn thiện các chế tài xử lý tham nhũng trong pháp luật phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. Một số địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đã lập các tổ công tác chuyên xử lý thông tin tham nhũng.

Việc 8 đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đang triển khai công tác tại 20 địa phương cho thấy chủ trương nhất quán của Đảng, nhà nước Việt Nam là kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác