Tạo lập trang sử mới trong quan hệ Mỹ-Cuba

(VOV5) - Từ ngày 21 đến 24/1 tại La Habana diễn ra các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Cuba về việc bình thường hóa quan hệ. Các cuộc đàm phán lần này được đánh giá là mang tính bước ngoặt, nhằm tiến tới việc khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa hai nước vốn bị cắt đứt trong hơn nửa thế kỷ qua. 

Tạo lập trang sử mới trong quan hệ Mỹ-Cuba - ảnh 1
Phái đoàn Mỹ và Cuba trong ngày làm việc đầu tiên tại La Habana (Ảnh chụp từ video, nguồn CNBC)

Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách khu vực Mỹ Latinh, bà Roberta Jacobson. Vụ trưởng phụ trách các vấn đề liên quan đến Mỹ, bà Josephina Vidal là đại diện bên phía Cuba. Nội dung đàm phán tập trung vào vấn đề nhập cư và lộ trình bổ nhiệm đại sứ ở mỗi nước.

Trước đó, hai bên đã tiến hành một loạt các biện pháp để thúc đẩy quan hệ. Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm đi lại và thương mại với Cuba. Ngược lại Cuba cũng đã thả tự do cho 53 nhà hoạt động chính trị đối lập. Ngay trước cuộc đàm phán này, một đoàn nghị sĩ Mỹ ủng hộ thiết lập quan hệ và bỏ cấm vận đã thăm Cuba từ 16-18/1. Nội dung chuyến viếng thăm này là tiến hành các cuộc tiếp xúc với các bộ của Cuba để thảo luận việc trao đổi các hoạt động thương mại trong tương lai.

Thiết lập lòng tin
Tiếp sau tuyên bố và những động thái bình thường hóa quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba hồi cuối năm 2014, cuộc đàm phán lần này được cho là cơ hội lịch sử để hai bên xích lại gần nhau. Mặc dù gần đây cả Mỹ và Cuba đã có nhiều động thái thể hiện thiện chí sẵn sàng gạt bỏ những bất đồng trong quá khứ nhưng rõ ràng mối quan hệ này vẫn còn phải mất một chặng đường dài do bị ảnh hưởng bởi những vấn đề lịch sử không dễ giải quyết một sớm một chiều.

Đầu tiên là vấn đề nhập cư, một chủ đề gây ra nhiều bất đồng giữa hai phía trong suốt nhiều thập kỷ qua. Từ trước đến nay, Cuba luôn bác bỏ chính sách của Mỹ được gọi là chính sách “chân khô, chân ướt”. Theo đó, Mỹ quy định bất kỳ công dân Cuba nào nếu bị các đơn vị bảo vệ bờ biển của Mỹ phát hiện đang có mặt bất hợp pháp trên vùng biển của Mỹ sẽ bị trả về Cuba, nhưng một khi đã đặt chân được lên đất liền của Mỹ sẽ được cấp thẻ cư trú sau khi xuất trình căn cước Cuba. Chính sách này đã kích thích làn sóng di cư bất hợp pháp từ Cuba sang Mỹ và khiến nhiều người dân Cuba đánh cược mạng sống của mình trên biển để vượt biên sang Mỹ. Cuba đã nhiều lần chỉ trích mạnh mẽ chính sách của Mỹ là không phù hợp với chương trình hợp tác song phương giữa Mỹ và Cuba trong việc ngăn chặn làn sóng nhập cư trái phép và nạn buôn người. Trước đó, hồi tháng 7/2014, các quan chức hai nước đã có cuộc gặp thảo luận về vấn đề nhập cư nhưng chưa đem đến một kết quả cụ thể nào. Một vấn đề khác được đặt lên bàn nghị sự trong chương trình đàm phán Mỹ-Cuba lần này là việc Cuba thuyết phục Mỹ loại tên Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia hậu thuẫn khủng bố, vốn gây cản trở cho Cuba trong việc tiếp cận các thể chế tài chính quốc tế. Và cuối cùng là việc dỡ bỏ các hạn chế về đi lại mà Cuba áp đặt với các nhà ngoại giao Mỹ.

Với khối lượng công việc đàm phán này, cuộc gặp giữa hai bên chỉ có thể là bước đầu tạo dựng lòng tin. Dù rất cố gắng và thiện chí song tiến trình bình thường hóa này còn đang gặp phải những cản trở nhất định. Về phía Mỹ là sức ép từ các thành viên quốc hội đến từ Đảng Cộng hòa, đảng đang nắm quyền ở cả hai viện của Quốc hội Mỹ. Còn ở phía Cuba là sự phản đối của một bộ phận người dân Cuba sinh sống tại Mỹ và một số quốc gia trên thế giới. Hơn 50 năm chịu ảnh hưởng bởi chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ, không thể phủ nhận đã những hố sâu ngăn cách trong lòng chính người dân Cuba. Họ dường như chưa thể nào quên những ký ức trong quá khứ và tất yếu nảy sinh tâm lý hoài nghi.

Vẫn còn chặng đường dài phía trước
Câu hỏi mà dư luận chờ đợi hiện nay là liệu tiến trình bình thường hóa Mỹ và Cuba sẽ phải mất bao lâu? Bấp chấp những tiếng nói không ủng hộ đầy định kiến, nhiều dự đoán đưa ra cho rằng quan hệ Mỹ - Cuba sẽ có bước tiến triển tích cực. Yếu tố hàng đầu là lợi thế “nhất cự ly”. Hai nước chỉ cách nhau 145km mặt biển, giao thông và giao thương rất thuận tiện. Quan trọng hơn nữa là giữa hai nước đã không có các vấn đề về di sản chiến tranh. Trong những năm gần đây, chính phủ Cuba đã từng bước thi hành các chính sách cải cách kinh tế mạnh mẽ. Và cho dù Cuba có duy trì xu hướng xã hội Mỹ - Latinh thì việc thúc đẩy hợp tác sau bình thường hóa vẫn có thể nhanh và thuận lợi hơn.

Mối quan hệ Mỹ - Cuba là một trong những mối quan hệ phức tạp trong lịch sử thế giới với hơn nửa thế kỷ đầy sóng gió thăng trầm. Do vậy, để đi đến một mối quan hệ bình thường hóa hoàn toàn, đòi hỏi thời gian với rất nhiều nỗ lực từ hai phía. Dẫu vậy, cho tới lúc này, hai bên đã có được một bước đi cơ bản và khó khăn nhất, đó là khép lại quá khứ, tạo lập thiện chí, sẵn sàng cho một mối quan hệ cùng chung sống trên cơ sở tôn trọng những khác biệt. Cuộc đàm phán lần này là bước đi đầu tiên để hai bên xích lại gần nhau, hướng tới sự tin cậy lâu dài./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác