Thăng hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu: Việt Nam đang đi đúng hướng trong quá trình đổi mới

(VOV5) - Việt Nam tiếp tục tăng 2 bậc, lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2017, lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Quan trọng hơn, Việt Nam có điểm số cao trong cả 7 trụ cột chính được lấy làm cơ sở đánh giá, xếp hạng. Đây là kết quả đáng khích lệ trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp cũng như trong khu vực ASEAN, cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng trong điều hành quá trình hội nhập kinh tế. 

Thăng hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu: Việt Nam đang đi đúng hướng trong quá trình đổi mới - ảnh 1

Chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam tiếp tục tăng 2 bậc, điểm số cao ở cả 7 trụ cột - Ảnh: Vov.vn

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index, gọi tắt là GII) là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, do Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Viện INSEAD (Pháp) và Đại học Cornell (Hoa Kỳ) thực hiện.

Các nhóm chỉ số GII 2018 được chia thành 7 trụ cột chính với 5 trụ cột đầu vào là: Thể chế, Cơ sở hạ tầng, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Trình độ phát triển của thị trường và Trình độ phát triển của kinh doanh. Hai trụ cột đầu ra là: Sản phẩm kiến thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo.

Thăng hạng ở những trụ cột chính

Trong năm 2018, điểm số cả 7 trụ cột của Việt Nam đều cao hơn điểm trung bình của nhóm các nước thu nhập trung bình thấp. 7 trụ cột chính của Việt Nam đều có điểm số cao. Đó là: thể chế vĩ mô, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, thị trường và môi trường kinh doanh, sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo. Đơn cử, thể chế vĩ mô tiếp tục được cải thiện với việc chỉ số về Nâng cao hiệu quả Thực thi pháp luật tăng mạnh từ hạng 74 lên hạng 57. Chỉ số về Môi trường kinh doanh được cải thiện tăng 10 bậc.

Những chỉ số này thể hiện sự chỉ đạo và những giải pháp của Chính phủ trong việc đảm bảo kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, cùng các giải pháp tập trung vào giảm lãi suất cho vay bình quân của hệ thống ngân hàng thương mại, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng định hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.      

Thăng hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu: Việt Nam đang đi đúng hướng trong quá trình đổi mới - ảnh 2

Việt Nam được WIPO đánh giá cao bởi sự nỗ lực từ cấp cao nhất - Ảnh: WIPO

Nhiều chuyên gia nhận định kết quả GII 2018 cho thấy chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang tăng trưởng tương đối bền vững. Ông Sacha Wunsch-Vincent, chuyên gia cao cấp của WIPO tham gia nhóm nghiên cứu GII, đánh giá Việt Nam nổi lên như một quốc gia có hiệu quả đặc biệt về đổi mới sáng tạo, trở thành hình mẫu về đổi mới công nghệ cho nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp noi theo. Theo ông Sacha, Việt Nam là quốc gia duy nhất có sự chỉ đạo từ cấp Thủ tướng với một nghị quyết thành lập nhóm chuyên viên đặc biệt tập hợp nhiều bộ, ban, ngành khác nhau để cùng thúc đẩy những chính sách nhằm cải thiện được vị trí trong xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu. Đề cập nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: "Chủ động xây dựng đổi mới thể chế chính sách được coi là trọng tâm ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Các phiên họp thường kỳ của Chính phủ dành nhiều thời gian để thảo luận về các dự án, dự thảo nghị định, chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án Luật. Quyết liệt hoàn thiện thể chế theo hướng thống nhất, công khai, minh bạch và đảm bảo thực thi nghiêm minh".

Tiếp tục phát huy tiềm năng

Trước những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì đổi mới sáng tạo đóng vai trò là chìa khóa, mang tính quyết định cho sự phát triển của Việt Nam.

Để tiếp tục cải thiện thứ hạng trong chỉ số đổi mới sáng tạo một cách bền vững, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cả các yếu tố đầu vào và đầu ra của đổi mới sáng tạo, trong đó, đặc biệt lưu ý cải thiện các nhóm chỉ số về môi trường kinh doanh, thị trường vốn và đầu tư, ứng dụng tri thức và công nghệ. Việt Nam cần sớm hoàn thành Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia, để làm động lực thúc đẩy việc thực hiện các giải pháp trong những năm tới. Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết: "Chúng ta sẽ tập trung cải thiện cả các trụ cột đầu vào, đầu ra. Tăng cường thêm các chỉ đạo và giải pháp để hiệu quả của môi trường kinh doanh, của thị trường vốn và đầu tư, của ứng dụng tri thức và công nghệ ngày càng hiệu quả hơn, thì chúng ta thực chất sẽ đi vào chiều sâu và phát triển mạnh mẽ năng lực sáng tạo trong thời gian sắp tới".

Việc Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí trong xếp hạng về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 cho thấy suốt 5 năm qua, thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng này có xu hướng được cải thiện trên mọi khía cạnh.

Những kết quả rất khích lệ này cho thấy những đột phá trong chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là động lực để Việt Nam tiếp tục đổi mới nhanh hơn, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác