Thể chế hóa Hiến pháp: điểm nhấn của hoạt động Quốc hội năm 2014

(VOV5) - Quốc hội dành sự quan tâm rất lớn cho việc cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 cả về thể chế chính trị, về kinh tế thị trường và mở rộng dân chủ và quyền con người.

Lập pháp là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội. Năm 2014, năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp 2013, Quốc hội dành ưu tiên cao nhất cho công tác lập pháp với việc thông qua 29 luật, cho ý kiến lần đầu với 28 dự án luật khác. Kết quả này góp phần thể chế hóa các quy định của Hiến pháp vào cuộc sống, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc quản lý đất nước, quản lý xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bài viết Thể chể hóa Hiến pháp: điểm nhấn của hoạt động Quốc hội năm 2014 của  BTV Đài TNVN.

Nhìn tổng quan năm 2014, việc xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội được triển khai mạnh mẽ, tập trung vào nhiều dự án luật rất quan trọng trên một số lĩnh vực chủ yếu như các luật  tổ chức bộ máy Nhà nước, các dự án luật quy định về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Nhiệm vụ trọng tâm của 2 kỳ họp trong năm

Năm 2014, Quốc hội khóa XIII xác định nhiệm vụ trọng tâm của 2 kỳ họp trong năm là công tác lập pháp. Thời lượng dành cho công tác này chiếm 2/3 tổng số thời gian họp của Quốc hội. Nhiều chuyên gia đánh giá chưa bao giờ Quốc hội có kỳ họp với nội dung lập pháp rộng lớn như vậy. Đây là hoạt động nhằm thể chế hóa Hiến pháp 2013, thích ứng với các điều kiện phát triển của xã hội. Ông Phan Văn Quý, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, đánh giá: Tại các kỳ họp, Quốc hội thông qua nhiều dự án luật. Chính phủ ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành luật, để tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh thể chế, chính sách đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, tạo nên sự hấp dẫn trong đầu tư của một số lĩnh vực như: đầu tư vào hạ tầng, đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ mà nễn kinh tế đang cần.

Bao trùm nhiều lĩnh vực của cuộc sống

Quốc hội dành sự quan tâm rất lớn cho việc cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 cả về thể chế chính trị, về kinh tế thị trường và mở rộng dân chủ và quyền con người.

Ngay trong năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp 2013, Quốc hội Việt Nam đã ban hành 3 Luật về tổ chức, bộ máy Nhà nước, cụ thể là Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất; Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi), cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Quốc hội cũng cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), cơ quan hành chính nhà nước cao nhất; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc thông qua 3 luật và cho ý kiến 2 dự án Luật về tổ chức bộ máy Nhà nước ngay trong năm 2014 là sự cố gắng lớn của Quốc hội nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho các cơ quan trong tổ chức bộ máy Nhà nước vận hành thông suốt, hiệu quả, đúng với tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Thể chế hóa Hiến pháp: điểm nhấn của hoạt động Quốc hội năm 2014 - ảnh 1

Về hoàn thiện thể chế kinh tế, năm 2014, Quốc hội thông qua nhiều dự thảo Luật quy định về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Luật Nhà ở (sửa đổi) thể chế quan điểm, chủ trương của Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực phát triển nhà ở. Một mặt tạo môi trường thuận lợi để phát triển nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân có thu nhập, đồng thời quan tâm phát triển nhà ở xã hội để phục vụ các đối tượng chính sách, người nghèo, người có thu nhập thấp. Luật đầu tư (sửa đổi) được ban hành tạo bước chuyển biến mới về cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện hoạt động đầu tư gắn liền với việc đổi mới, nâng cao hiệu qủa công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư. Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) giúp huy động các nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh.

Các luật được Quốc hội ban hành năm 2014 cũng khẳng định rõ việc đảm bảo quyền con người và quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Các luật này là định hướng quan trọng về mở rộng đối tượng đóng Bảo hiểm xã hội, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân cũng như tạo cơ chế pháp lý bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Cũng trong năm 2014, Quốc hội thảo luận Bộ luật dân sự (sửa đổi) để đưa ra lấy ý kiến nhân dân trong 3 tháng đầu năm 2015.

Đánh giá tổng quan về việc xây dựng Luật, ông Đinh Xuân Thảo, đại biểu Quốc hội Hà Nội, cho rằng: Việc xây dựng luật có chuyển biến rất tích cực ở chỗ khi xem xét các điều khoản của luật đều nhằm vào quyền của người dân, của tổ chức. Nếu như trước đây xây dựng luật chủ yếu nhấn mạnh đến quản lý của nhà nước thì bây giờ là đảm bảo quyền của người dân. Một điểm nữa là các đại biểu Quốc hội phát huy tốt vai trò và trách nhiệm trước cử tri, nhất là thảo luận về các dự án luật, ít khi số lượng đại biểu đăng ký phát biểu gấp đôi, gấp ba số lượng được phát biểu. Nhìn một cách bao quát thì chất lượng làm luật và ra các Nghị quyết tại kỳ họp có bước tiến mới.

Hiến pháp 2013 tạo cơ sở chính trị, pháp lý cho một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp không chỉ trong năm 2014, 2015 mà cần được tiến hành trong những năm tới, hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Đề cập nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Quốc hội giao Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan bảo đảm thi hành kịp thời, có hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; đồng thời cần tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với Hiến pháp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật vào cuộc sống. 

Hiến pháp 2013 có được tổ chức thực hiện tốt hay không phụ thuộc nhiều vào công tác xây dựng Luật và triển khai thi hành Luật. Những nỗ lực thể chế hóa Hiến pháp của Quốc hội Việt Nam trong năm 2014 góp phần rất quan trọng để Hiến pháp đi vào cuộc sống, tạo đà để hoàn thiện nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, đổi mới phát triển đất nước./.

 



Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác