Thỏa thuận di cư EU: Ý chí chính trị đã có, cần sự đồng thuận để thực thi

(VOV5) - Vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng mà các nước châu Âu cần phải vượt qua để đi đến thực thi.

Hội nghị thượng đỉnh châu Âu vừa diễn ra tại Brussel, Bỉ đã vừa đạt được một thỏa thuận về xử lý vấn đề tị nạn, đẩy lùi phần nào mối đe dọa đối với khối thống nhất toàn liên minh.

Mặc dù việc đạt được thỏa thuận được coi là “một tín hiệu tích cực” nhưng các nhà phân tích cũng nhận định rằng vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng mà các nước châu Âu cần phải vượt qua để đi đến thực thi.

Thỏa thuận di cư EU: Ý chí chính trị đã có, cần sự đồng thuận để thực thi - ảnh 1Các nước EU đạt được một thoả thuận về xử lý vấn đề tị nạn vào lúc 4h30 sáng 29/6 theo giờ địa phương tại Brussels. - Ảnh: Al Jazeera 

Kể từ khi cuộc khủng hoảng di cư nổ ra, EU ngày càng đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Dù các thành viên đã nỗ lực giải quyết nhưng do sự khác biệt trong các cách tiếp cận vấn đề ở từng nước khác nhau khiến châu Âu ngày càng chia rẽ trong vấn đề này. Do vậy, một thỏa thuận đạt được trong lúc này, dẫu còn nhiều tranh cãi, được xem là bước đột phá đáp ứng mong đợi của 28 thành viên, nhất là các quốc gia đứng ở tuyến đầu trước làn sóng di dân cần được hỗ trợ và chia sẻ gánh nặng.

Bước tiến tích cực

Theo nội dung thỏa thuận, 28 nước thành viên thành lập trên lãnh thổ EU các “trung tâm kiểm soát” đón tiếp người di cư được cứu vớt trên biển. Những cơ sở này sẽ được đặt tại các nước thành viên “tự nguyện” và cho phép phân biệt nhanh chóng những người đủ điều kiện xin tị nạn với các trường hợp di cư vì kinh tế. Đây được xem là một điểm đột phá so với các biện pháp trước kia bởi việc lập ra các điểm tiếp nhận này, trước đây vốn bị nhiều nước phản đối.

Ngoài ra, EU nhất trí áp dụng cách tiếp cận toàn diện với vấn đề di cư, bao gồm kiểm soát hiệu quả hơn biên giới bên ngoài của EU, ngăn chặn sự trở lại của dòng người tị nạn không thể kiểm soát được như năm 2015 và tiếp tục ngăn chặn việc di cư bất hợp pháp trên tất cả các tuyến đường hiện có và mới nổi. Thỏa thuận cũng khẳng định các nước EU sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho Italia và các nước Địa Trung Hải khác để ngăn chặn những kẻ buôn người từ Libya và nhiều nước khác. 28 nhà lãnh đạo cũng đồng ý xem xét thiết lập những nơi tiếp nhận người di cư khác ngoài EU, có thể ở Bắc Phi, trong nỗ lực ngăn cản các chuyến tàu buôn người đổ về EU.

Thỏa thuận này của EU đã nhận được nhiều phản ứng tích cực. Các cơ quan cứu trợ của Liên Hợp Quốc hoan nghênh thỏa thuận, đồng thời hối thúc khối này ưu tiên các biện pháp nhằm đảm bảo tính mạng và sự an toàn của người di cư. Trong khi đó, đại diện của Tổ chức Di trú quốc tế Liên hợp quốc cho rằng mọi biện pháp về vấn đề người di cư phải được thống nhất toàn châu Âu, giúp ích cho các nước "đầu sóng ngọn gió" trong vấn đề người di cư như Italy và các trung tâm xử lý thủ tục tiếp nhận người di cư phải được đặt tại châu Âu. 

Còn nhiều bất đồng cần giải quyết

Dù thỏa thuận đạt được được đánh giá là bước tiến tích cực song các chuyên gia phân tích và bản thân lãnh đạo các nhà lãnh đạo EU nhận định còn quá sớm để đề cập đến thành công của thỏa thuận này. Bởi trong thỏa thuận đạt được còn nhiều điểm để ngỏ và còn nhiều yếu tố khó khăn chi phối quá trình thực hiện thỏa thuận này.

Thứ nhất, mặc dù đồng ý về mặt nguyên tắc việc lập các trạm tiếp nhận ở ngoài lãnh thổ Liên minh châu Âu và các trung tâm khép kín trên đất châu Âu, nhưng cụ thể là sẽ đặt ở đâu thì vẫn chưa có câu trả lời. Tương tự, kế hoạch lập các trung tâm khép kín trên đất châu Âu cũng được kèm theo điều kiện “tự nguyện”, tức không có điều khoản bắt buộc một nước thành viên EU phải gánh trách nhiệm. Chính vì yếu tố “tự nguyện” này nên cả Pháp, Italy hay Tây Ban Nha đều ngỏ ý từ chối việc xây dựng các trung tâm này trên lãnh thổ nước mình.

Thứ hai, vấn đề vẫn gây bất đồng đó là việc quản lý dòng tị nạn thứ cấp, tức là dòng người tị nạn sau khi đã đặt chân đến châu Âu lại tiếp tục đổ dồn về một số nước khác. Cuối cùng, bất đồng lớn nhất vẫn tồn tại giữa các nước châu Âu là việc sửa đổi hoặc thậm chí huỷ bỏ quy định người tị nạn đặt chân đến nước nào đầu tiên thì nước đó phải có trách nhiệm. Trong thỏa thuận mới này, các nước mới chỉ dừng ở việc tiếp tục nghiên cứu, xem xét chứ không đưa ra thời hạn cụ thể.

Phía trước là khá nhiều thách thức. Trên giấy tờ, thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh được cho là sẽ tạo ra một sự chia sẻ cân bằng hơn giữa các nước thành viên trong giải quyết vấn đề về người di cư, nhưng lại khá mơ hồ và mong manh. Chắc chắn trong những ngày tới, các nhà lãnh đạo Châu Âu sẽ còn phải đau đầu tìm ra các giải pháp có thể đáp ứng những mong muốn rất đa dạng và thậm chí là đầy mâu thuẫn của các nước thành viên trong việc hóa giải cuộc khủng hoảng về di cư.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác