Thúc đẩy hợp tác cứu trợ nhân đạo trên biển thông qua Diễn đàn biển ASEAN

(VOV5)- Hợp tác biển trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai là một nội dung đề cập tại Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ 5 (AMF-5) và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 3 (EAMF-3), tổ chức trong 2 ngày 27 và 28/8 tại thành phố Đà Nẵng.

Là tuyến hàng hải quan trọng nối liền hai đại dương lớn Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, biển Đông không chỉ chiếm mật độ lớn thuyền bè qua lại, mà còn là nơi hứng nhiều rủi ro thiên tai, đe dọa trực tiếp đến sinh mạng của nhiều ngư dân hoạt động nghề trên biển.

Chính vì vậy, hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm và cứu hộ đối với người và tàu thuyền gặp nạn trên biển được xem là lĩnh vực hợp tác hết sức quan trọng, góp phần củng cố môi trường hòa bình ở biển Đông.

Thúc đẩy hợp tác cứu trợ nhân đạo trên biển thông qua Diễn đàn biển ASEAN - ảnh 1


Diễn đàn Biển ASEAN và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng năm nay gồm 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác cấp cao Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga và Hoa Kỳ, tham dự.

Kể từ khi ra đời năm 2010, bên cạnh 11 cơ chế về hợp tác biển trong ASEAN với nhiều hoạt động hợp tác chuyên ngành cụ thể thông qua các kênh quốc phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, giao thông vận tải, ngư nghiệp và nghề cá, du lịch, môi trường, diễn đàn Biển ASEAN là nơi trao đổi những vấn đề nhằm giúp các nước thành viên phối hợp với nhau tốt hơn trong lĩnh vực hợp tác biển, như kết nối các lĩnh vực ngư nghiệp, ứng phó thiên tai, nghiên cứu sinh học biển... Đây còn là kênh nhằm tư vấn cho chính phủ về những biện pháp có thể thực hiện được. Vì thế, các diễn đàn này thông thường tập trung nhiều hơn vào khía cạnh hợp tác chứ không chỉ dừng lại ở vấn đề an ninh biển.

Đề cao mục đích nhân đạo và xây dựng lòng tin
Trên thực tế, nếu một môi trường biển hòa bình, không có tranh chấp chủ quyền sẽ rất thuận lợi cho hợp tác giữa các nước. Nhưng khi có những phức tạp, tranh chấp chủ quyền chồng lấn thì tạo dựng môi trường chính trị, xây dựng niềm tin để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác biển được triển khai, là vô cùng cần thiết. 

Với đặc thù là tuyến đường hàng hải quan trọng, là ngư trường đánh bắt và hoạt động nghề của công dân nhiều nước trong khu vực, do nhiều nguyên nhân, cả thiên nhiên, thời tiết cho đến tự bản thân con người, người dân các nước có thể gặp nạn trên biển. Vì vậy, một cơ chế hợp tác phối hợp tìm kiếm, cứu hộ cần thiết và phù hợp có ý nghĩa không chỉ về mặt nhân đạo mà còn nhằm xây dựng lòng tin. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh trước thềm diễn đàn nhấn mạnh đến khía cạnh này: Đối với những người và tàu thuyền đi biển gặp nạn, họ là những người vô tội. Không thể để vì những cái này hay cái kia trong khu vực mà ảnh hưởng đến mục tiêu cứu trợ nhân đạo. Người và tàu thuyền đi biển có thể gặp nạn do tình hình mà không khí căng thẳng ở khu vực hay do những nguyên nhân về thiên tai, thời tiết, dịch bệnh, ốm đau… thì tất cả những điều này, mục đích nhân đạo phải được đặt lên hàng đầu. Làm sao để tất cả những người đi biển thông thường, những ngư dân khi gặp nạn trên biển đều phải được cứu trợ nhân đạo.

Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả trong hỗ trợ nhân đạo trên biển
Thực tế, thời gian qua, hợp tác trong lĩnh vực cứu hộ cứu nạn người và tàu thuyền trên biển được các nước trong khu vực ASEAN triển khai tích cực hiệu quả. Các cuộc diễn tập, phối hợp diễn tập giữa các nước ASEAN với nhau, giữa ASEAN với các nước đối tác trong khu vực diễn ra thường xuyên hơn. Năm 2013, Hội thảo “Tăng cường hợp tác ASEAN-Trung Quốc trong tìm kiếm và cứu hộ đối với người và tàu thuyền đi biển gặp nạn trên biển Đông”, được tổ chức tại Việt Nam cũng nhận được  sự quan tâm lớn của các nước trong và ngoài khu vực. Qua các hoạt động hợp tác này, các nội dung như thực trạng và sự cần thiết xây dựng các biện pháp chung trong hỗ trợ người và tàu thuyền gặp nạn trên biển Đông, các nhân tố tác động đến việc phối hợp hỗ trợ nhân đạo trong khu vực, các khuyến nghị cụ thể về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm cứu hộ…, đang tiếp tục được triển khai nhằm đảm bảo được mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và tự do thông thương ở khu vực này. Đây cũng là những nội dung mà Việt Nam tiếp tục chủ động tham vấn với các nước và đề xuất chia sẻ tại Diễn đàn Biển năm nay. Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cho biết thêm: Các bên phải chia sẻ chính sách với nhau để có cơ chế phối hợp. Phải xác định đầu mối của mỗi quốc gia trong khu vực để khi có những thông tin về công dân, ngư dân nước nào gặp nạn thì có thể liên hệ với nhau và với nước gần nhất một cách nhanh chóng nhất. Cần xây dựng một cơ chế hợp tác trong khu vực. Cơ chế này không chỉ cứu hộ, cứu nạn người đi biển, tàu thuyền đi biển gặp nạn mà còn hỗ trợ năng lực cho các quốc gia thành viên. Bởi không phải nước nào cũng đủ năng lực, người ngư dân có thể đi gần đi xa, và trong giông bão không phải nước nào cũng đủ điều kiện cứu hộ. Những vấn đề nêu trên là trọng tâm mà Việt Nam đề xuất.

Là một quốc gia ven biển, với mong muốn và thiện chí thúc đẩy xây dựng lòng tin và hợp tác khu vực vì hòa bình, ổn định chung ở biển Đông, Việt Nam rất coi trọng thúc đẩy hợp tác khu vực về tìm kiếm và cứu hộ người và tàu thuyền gặp nạn trên biển. Việc đăng cai tổ chức các diễn đàn Biển ASEAN lần này là nỗ lực tiếp tục triển khai mong muốn của Việt Nam trong lĩnh vực này. Một môi trường hòa bình, ổn định để phát triển là mong muốn của tất cả các quốc gia trong khu vực, kể cả các quốc gia không có biển./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác