Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp

(VOV5) - Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973 và 40 năm sau (năm 2013), hai nước chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa Pháp Édouard Philippe tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 2 - 4/11/2018. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Cộng hòa Pháp diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp phát triển tích cực từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2013 và được phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.

Cộng hoà Pháp, nằm ở Tây Âu, là cường quốc kinh tế lớn thứ 5 thế giới, đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu dịch vụ. Pháp có số lượng doanh nghiệp rất lớn, trong đó có doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp - ảnh 1

Thủ tướng Cộng hòa Pháp Édouard Philippe. Ảnh: TTXVN

Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973 và 40 năm sau (năm 2013), hai nước chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Dấu mốc này đã tạo đà đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

 Quan hệ đối tác chiến lược phát triển sâu rộng

Trong những năm qua, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao và phối hợp nhiều cơ chế hợp tác như: Đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp; Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế.

Về hợp tác kinh tế, Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Anh, Hà Lan, Italy). Năm 2017, trao đổi thương mại hai chiều đạt 4,6 tỷ USD (tăng 11,6% so với năm 2016). Trao đổi thương mại hai nước 6 tháng đầu năm 2018 đạt 2,3 tỷ USD. Đánh giá về mối quan hệ Việt – Pháp hiện nay, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp cho rằng: Quan hệ Việt Nam với Pháp, đặc biệt là kể từ sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 3 năm nay thì có bước đột phá mạnh. Nội dung hợp tác được cụ thể hóa, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến phát triển của Việt Nam. Sau chuyến thăm này, hai bên nhất trí hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử, trở thành trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược và hy vọng trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp lần này hai bên sẽ ký kết.

Về đầu tư, năm 2017, Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia, lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 512 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 2,8 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Pháp vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất – phân phối điện khí nước điều hòa…Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 9 dự án với tổng vốn đầu tư là trên 3 triệu USD. Và với sự ủng hộ tích cực từ phía Pháp, Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Liên minh Châu Âu dự kiến ký kết cuối năm nay sẽ càng tạo đà cho quan hệ thương mại đầu tư Việt Nam-Pháp mở rộng hơn nữa. Đại sứ Nguyễn Thiệp cho biết: Pháp hiện nay là nước có lập trường tích cực trong việc ủng hộ ký FTA giữa Việt Nam với EU. Hiệp định này có liên quan tới khoảng 49 nước trên thế giới, khoảng 98% dòng hàng giữa Việt Nam với EU nói chung, cho phép trao đổi thương mại Việt Nam-Pháp sẽ tăng lên rất nhiều. Pháp là nước Châu Âu duy nhất ở P5 đầu tàu ở Châu Âu, sự ủng hộ đó có tác động rất lớn.

Nói tới quan hệ Việt-Pháp không thể không nhắc tới hợp tác giữa các địa phương bởi đây là nét đặc thù trong quan hệ Việt – Pháp. Hiện có 38 địa phương của Pháp có quan hệ đối tác với 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam, tập trung trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nước và vệ sinh, bảo tồn di sản, phát triển nông thôn...tác dụng rất hiệu quả. Ngoài ra, đều là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, hai nước có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ tổ chức Pháp ngữ, đặc biệt trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp, giảng dạy đại học, các hoạt động nghị viện… Hiện nay, tại Pháp có khoảng 300 nghìn người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc, có đóng góp lớn về tri thức cho nước sở tại, là cầu nối hiệu quả cho quan hệ hữu nghị Việt Nam-Pháp.

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược

Năm 2018 đánh dấu sự phát triển chưa từng có trong quan hệ giữa hai nước với các chuyến thăm cấp cao, đặc biệt sau chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Édouard Philippe. Với chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Pháp, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp sẽ nâng lên một tầm cao mới, đồng thời thể hiện Việt Nam là đối tác quan trọng trong lợi ích của Pháp tại Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương — Ấn Độ Dương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác