Tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản

(VOV5) -  Từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” vào tháng 3/2014, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân ngày 10/10/2018 kết thúc chuyến thăm Nhật Bản và tham dự phiên họp cấp cao Mekong- Nhật Bản lần thứ 10 trong các ngày từ 8 -10/10/2018.

Chuyến thăm Nhật Bản với nhiều nội dung nghị sự quan trọng góp phần đưa quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam- Nhật Bản phát triển sâu rộng, toàn diện, hiệu quả.

Tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản - ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản - Ảnh: chinhphu 

Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/09/1973. Trải qua 45 năm, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” vào tháng 3/2014, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất. 

Mối quan hệ toàn diện, thực chất

Về chính trị, quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Đặc biệt, năm 2017, lần đầu tiên có 5 chuyến thăm cấp cao diễn ra trong vòng một năm, trong đó dấu mốc lịch sử là chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hai lần đến Việt Nam; Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản thăm Việt Nam sau 15 năm. Năm 2017 cũng đánh dấu bước chuyển mới trong quan hệ song phương khi hai nước ra Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 6/2017. 

Trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam vào tháng 10/2011. Đến nay, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, đối tác thương mại lớn thứ tư và đối tác lớn thứ ba về du lịch của Việt Nam. Năm 2017, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt hơn 33 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 17 tỷ USD. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 8,7 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 8/2018, Nhật Bản có 3.865 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 55,838 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Nhiều dự án của Nhật Bản đã hoàn thành và đưa vào khai thác rất hiệu quả, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, giao lưu nhân dân không ngừng được củng cố và mở rộng. Trong năm 2017, có tới gần 800.000 lượt du khách Nhật Bản sang thăm Việt Nam, trong khi số du khách Việt Nam thăm Nhật Bản vượt qua con số 300.000 lượt người. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là quốc gia có tỷ lệ tăng tu nghiệp sinh kỹ thuật và du học sinh cao nhất tại Nhật Bản. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đến đầu năm 2018 khoảng 75.000 người. Hợp tác địa phương hai nước Việt Nam-Nhật Bản cũng được thúc đẩy mạnh mẽ.

 Trong những năm qua, Việt Nam và Nhật Bản cũng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, như Liên hợp quốc, các hội nghị ASEAN+, APEC, ASEM... Đặc biệt, hai nước đã hợp tác tích cực vào thành công của Năm APEC Việt Nam 2017, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng và thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, yết kiến Nhật Hoàng, gặp gỡ các lãnh đạo Quốc hội Nhật bản và Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật-Việt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp và nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản.Trong cuộc hội đàm ngày 8/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhất trí tiếp tục tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai nước thông qua việc duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; thúc đẩy hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh hiệu quả, thực chất, đặc biệt trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ trang bị quốc phòng, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Nhật Bản xem xét miễn thuế thu nhập và thuế cư trú cho thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản và tạo thêm thuận lợi trong việc cấp thị thực nhập cảnh cho người du lịch Việt Nam. Về phần mình, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Chính phủ Nhật Bản coi trọng sự phát triển bền vững của Việt Nam và sẽ nỗ lực vì sự phát triển của Việt Nam thông qua thúc đẩy các dự án ODA và đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản. Hai Thủ tướng đồng thời nhất trí cùng thúc đẩy trao đổi hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử, cải cách hành chính, nâng cao năng suất lao động, góp phần xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút hơn nữa đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. 

Với những kết quả nổi bật, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tới Nhật Bản tạo ra dấu mốc mới, đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản sang giai đoạn phát triển toàn diện, thực chất hơn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác