Tín hiệu buồn trong giải quyết vấn đề di cư

(VOV5) -Thực tế đã chỉ ra tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề di cư và cũng cho thấy không quốc gia nào có thể làm điều đó một mình.

Những ngày gần đây, một số quốc gia liên tiếp tuyên bố sẽ bác bỏ Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc và cũng sẽ không tham dự Hội nghị của LHQ về việc bỏ phiếu thông qua văn kiện này vào trung tuần tháng 12 tới, tại Marocco. Việc bác bỏ văn kiện (vốn đã được các nước tán thành hồi tháng 7/2018) như gáo nước lạnh dội vào những nỗ lực giải quyết vấn đề di cư của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này. Nó cũng cho thấy sự phức tạp cũng như những khó khăn trong việc giải quyết vấn đề di cư trên toàn cầu.

Quốc gia mới nhất gia nhập danh sách các nước bác bỏ Hiệp ước toàn cầu về di cư là Australia. Trước đó, Mỹ, Hungary, Áo, Cộng hòa Cezch, Ba Lan và Israel đã công bố quyết định tương tự.

Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc đề ra 23 mục tiêu để đảm bảo các hoạt động di cư hợp pháp; tái khẳng định và bảo vệ đầy đủ quyền của tất cả những người tị nạn và những người di cư. Việc phân biệt đối xử với người di cư sẽ được ngăn ngừa, trong khi phụ nữ và trẻ em sẽ được bảo vệ đặc biệt.

 Tín hiệu buồn trong giải quyết vấn đề di cư - ảnh 1Cảnh sát Áo thực thi nhiệm vụ ngăn dòng người di cư đến từ biên giới với Slovenia. ẢnhLisi Niesner/Reuters 

Nguyên nhân

Hiệp ước toàn cầu về di cư từng được các nước thành viên LHQ tán thành hồi tháng 7 vừa qua (trừ Mỹ, nước đã rút ra khỏi Hiệp ước từ năm ngoái), sau 18 tháng thương lượng. Đây được đánh giá là quãng thời gian đàm phán khó khăn vì liên quan đến quyền và lợi ích của từng quốc gia trong việc giải quyết vấn nạn di cư. Những trở ngại xung quanh các biện pháp xử lý làn sóng di cư bất hợp pháp, trong đó một số chính phủ kiên quyết trả những người di cư không có giấy tờ phù hợp về nơi xuất xứ của họ được cho là bất đồng chính giữa các quốc gia. Và những quan ngại này vẫn kéo dài đến hôm nay, cho dù trước đó Hiệp ước đã được tán thành.

Tuyên bố về lý do bác bỏ Hiệp ước, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho rằng việc thông qua hiệp ước trên "có nguy cơ khuyến khích hoạt động nhập cư trái phép vào Australia và đẩy lùi những thành tích khó khăn lắm mới đạt được trong cuộc chiến chống nạn buôn người". Trong khi đó, một số quan chức trong nội các Australia thì cho rằng hiệp ước này "không phù hợp với các chính sách cũng như không phục vụ lợi ích của Australia". 

 Tín hiệu buồn trong giải quyết vấn đề di cư - ảnh 2
Người tỵ nạn và nhập cư được đưa vào đảo Lesbos năm 2016
Ảnh: Manu Brabo/AP

Chính phủ Ba Lan theo đường lối cánh hữu cũng ra tuyên bố không ủng hộ Hiệp ước toàn cầu về di cư của LHQ vì cho rằng thỏa thuận này không đảm bảo an ninh quốc gia và có thể dẫn tới làn sóng di cư bất hợp pháp. Theo Ba Lan, văn kiện này đi ngược lại với các ưu tiên của Warsaw, bao gồm việc đảm bảo an ninh của công dân cũng như chính sách siết chặt dòng người di cư. Tuyên bố cũng nhấn mạnh Hiệp ước toàn cầu về di cư của LHQ đã thất bại trong việc đảm bảo quyền chủ quyền của các nước. 

Còn Hungary và Cezch luôn giữ quan điểm cứng rắn đối với việc tiếp nhận người di cư, cho rằng vấn đề này đe dọa đến ổn định của châu Âu và tác động đến khu vực biên giới miền Nam của Hungary.

Tác động

Việc văn kiện quốc tế đầu tiên về kiểm soát hoạt động di cư trên thế giới bị nhiều quốc gia bác bỏ, không đồng ý bỏ phiếu thông qua, cho thấy tính phức tạp, nhạy cảm của vấn đề. Thực tế giải quyết tình trạng di cư cho thấy trách nhiệm nhân đạo của các nước tiếp nhận người tị nạn đôi khi ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế và an ninh của chính họ.

Tuy nhiên khi thế giới không đoàn kết giải quyết vấn đề di cư sẽ ảnh hưởng tới các mục tiêu đảm bảo các hoạt động di cư hợp pháp, đồng thời ảnh hướng tới việc quản lý tốt hơn dòng người di cư toàn cầu trong bối cảnh số người này đã lên tới 250 triệu, chiếm tới 3% dân số thế giới.

Nhiều nhà lãnh đạo cho rằng nếu Hiệp ước toàn cầu về di cư được thực thi nghiêm túc, văn kiện này sẽ tạo ra một cơ chế ổn định, có trách nhiệm hơn để các quốc gia thành viên LHQ chung tay giải quyết tình trạng người di cư và tị nạn trên thế giới. Vì vậy, khi nhiều quốc gia bác bỏ Hiệp ước, trong đó hơn 1/2 là các nước châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã chỉ trích động thái này và cảnh báo EU sẽ mất đi vai trò dẫn dắt trong việc giải quyết khủng hoảng di cư nếu có thêm các thành viên EU từ chối tham gia. Thủ tướng Đức Angela Merkel thì đánh giá văn kiện này nằm trong "lợi ích quốc gia" của Đức. Theo bà Merkel, Hiệp ước là "đáp án đúng" để cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Trong bối cảnh vấn đề người tị nạn và nhập cư đang trở thành chủ đề gây tranh cãi gay gắt ở cả Mỹ lẫn châu Âu, một lần nữa cho thấy đây không chỉ là thách thức của riêng mỗi quốc gia mà đã trở thành cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu. Thực tế này đã chỉ ra tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề di cư và cũng cho thấy không quốc gia nào có thể làm điều đó một mình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác