Tương lai nước Anh và Brexit sau bầu cử

(VOV5) - Sau cuộc bầu cử, Thủ tướng Anh Theresa May bày tỏ quyết tâm thành lập một chính phủ mới đưa đất nước vượt qua những sóng gió trong tiến trình đàm phán về Brexit sắp tới. 

Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Theresa May vẫn giành được nhiều ghế nhất (318 ghế ) trong cuộc bầu cử trước hạn ngày 8/6 mới đây song vẫn không đủ quá bán cần thiết (326), thậm chí còn để mấy 12 ghế so với kỳ bầu cử trước trong Quốc hội. Trong khi đó, Công đảng đối lập giành được 262 ghế, tăng 30 ghế so với trước đó trong Quốc hội. Kết quả này khiến nước Anh đứng trước nguy cơ bất ổn chính trị, cùng với  viễn cảnh ảm đạm bên bàn đàm phán rời Liên minh châu Âu và bóng ma khủng bố vẫn còn lẩn khuất.

Tương lai nước Anh và Brexit  sau bầu cử - ảnh 1

Thủ tướng Anh Theresa May đang ở thăm Pháp ngày 13/6 tuyên bố cuộc đàm phán khởi động tiến trình đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vẫn bắt đầu theo đúng kế hoạch. AFP/TTXVN

Sau cuộc bầu cử, Thủ tướng Anh Theresa May bày tỏ quyết tâm thành lập một chính phủ mới đưa đất nước vượt qua những sóng gió trong tiến trình đàm phán về Brexit sắp tới. Để tháo gỡ tình hình, Thủ tướng May đang nỗ lực thành lập chính phủ thiểu số với sự ủng hộ của Đảng Hợp nhất Dân chủ ( DUP) ở Bắc Ireland, đảng giành được 10 ghế tại Hạ viện trong cuộc bầu cử vừa qua. Bà cũng tiến hành cải tổ nội các hầu hết các vị trí chủ chốt trong chính phủ để các thành viên chính phủ giúp bà gánh vác các trọng trách quan trọng, bao gồm cả tiến trình đàm phán về Brexit theo đúng kế hoạch.

Nước Anh tiếp tục chia rẽ

Ngay sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố, nhiều nghị sỹ Công đảng và những người ủng hộ đã nhanh chóng kêu gọi bà Theresa May từ chức và khẳng định Công đảng luôn sẵn sàng đảm nhận trọng trách lãnh đạo. Công đảng cho rằng họ hoàn toàn có thể thành lập một chính phủ thiểu số với 262 ghế. Sắp tới, một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ diễn ra trong nội bộ Đảng Bảo thủ. Nếu đủ số thành viên ủng hộ, bà Theresa May sẽ tiếp tục nắm giữ cương vị lãnh đạo nước Anh. Trong trường hợp ngược lại, việc bà ra đi sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tương lai nước Anh và Brexit  sau bầu cử - ảnh 2

Hiện một số thành viên cấp cao trong Đảng Bảo thủ tỏ rõ sự ủng hộ đối với Thủ tướng Theresa May. Họ nhấn mạnh rằng Vương quốc Anh không thể tiếp tục trải qua những biến động mới như việc tìm kiếm tân lãnh đạo khi thời điểm tiến hành các cuộc đàm phán về Brexit đang tới gần. Trong khi đó, nhiều thành viên khác đã giữ im lặng và đây mới là điều cần đặc biệt lưu ý. Washington Post cho biết Đảng Bảo thủ đang âm thầm tiến hành các cuộc tranh luận về việc có nên để bà Theresa May từ chức hay không và nếu có thì sẽ là thời điểm nào, ngay lập tức hay sau khi các cuộc đàm phán về Brexit bắt đầu. Nếu bà Theresa May rời khỏi số 10 phố Downing, đây sẽ là lần thứ hai trong vòng một năm trở lại đây, nước Anh phải chứng kiến sự thay đổi lãnh đạo sau khi một Thủ tướng của Đảng Bảo thủ đánh cược sự nghiệp chính trị của mình và phải rời khỏi chức vụ khi kêu gọi một cuộc bỏ phiếu sớm ở quy mô toàn quốc.

Khó khăn đối với tiến trình Brexit

Cuộc bầu cử ngày 8/6 của nước Anh được cho là sẽ vạch rõ lộ trình cho các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu ( EU) song thất bại của Thủ tướng Anh Theresa May lại khiến cho tiến trình Brexit đứng trước nhiều rủi ro. Với bối cảnh chính trị của Vương quốc Anh hiện tại, thời hạn bắt đầu các cuộc đàm phán Brexit giữa Anh và EU, ngày 19/6 tới đây, có thể sẽ bị lùi lại, do Đảng Bảo thủ cần ưu tiên thành lập một chính phủ mới. Thất bại của Thủ tướng Anh trong việc gia tăng thế đa số cho Đảng Bảo thủ tại Quốc hội đồng nghĩa với việc bà Theresa May, hoặc là người kế nhiệm, sẽ không chỉ phải vượt qua những thách thức rất lớn khi muốn Hạ viện, Thượng viện thông qua các điều khoản về một “Brexit cứng”, trong đó Anh sẽ rời khỏi thị trường chung, liên minh thuế quan, chấm dứt sự giám sát của Tòa án EU, di chuyển tự do trong EU và thanh toán sòng phẳng nhân sách EU. Sau đó, Anh và EU sẽ sẽ đàm phán lại từ đầu như bất cứ một cuộc gia nào khác trên thế giới theo luật của WTO. Nếu Quốc hội Anh bỏ phiếu chống “Brexit cứng”, việc triển khai điều 50 của Hiệp ước Lisbon có thể phải hoãn lại và Brexit hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của 27 nước thành viên châu Âu.

Cuộc bầu cử sớm tại Vương quốc Anh và những kịch bản ngoài dự kiến có thể đẩy nền chính trị nước Anh rơi vào rối loạn, thậm chí cuộc đàm phán Brexit có thể bị trì hoãn vô thời hạn. Thế nhưng theo kế hoạch, các cuộc đàm phán về Brexit sẽ phải kết thúc vào cuối tháng 3/2019. Trong khi bóng ma khủng bố, yếu tố được cho là đã tác động đáng kể đến tâm lý cử tri Anh trong cuộc bầu cử vừa qua, vẫn còn ám ảnh thì sự chia rẽ trong xã hội, trên chính trường, chính là yếu tố đã đẩy nước Anh vào tình trạng bất ổn, gây khó khăn không nhỏ cho tiến trình Brexit những ngày sắp tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác