Ukraine-Nga: Cánh cửa đối thoại khép dần

(VOV5) -Quan hệ Nga-Ukraine đang bước vào khúc quanh nguy hiểm mới. Bất chấp những tuyên bố thiện chí của lãnh đạo hai nước sau khi Ukraine có Tổng thống mới, những động thái hiện tại cho thấy dường như các bên đang dần mất kiên nhẫn và đẩy quan hệ tiến gần đến xung đột nghiêm trọng.


Ukraine-Nga: Cánh cửa đối thoại khép dần - ảnh 1


Quân đội Ukraine (Ảnh: AP)

Trong một động thái “đốt nóng” thêm căng thẳng hai nước, hôm 17/6, Nga trình lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc một nghị quyết về Ukraine, trong đó lên án việc pháo kích, đặc biệt ở khu vực miền Đông, yêu cầu chấm dứt bạo lực, thiết lập ngừng bắn để đối thoại, đồng thời yêu cầu mở cuộc điều tra về cái chết của 2 nhà báo Nga ở Ukraine.


Đáp lại, Quốc hội Ukraine ngày 17/6 cũng thông qua nghị quyết về vấn đề tăng cưởng kiểm soát biên giới phía Đông với Nga. Theo đó, trong thời gian một tháng, Cơ quan biên phòng Ukraine tăng số lượng nhân viên đáng kể để có thể kiểm soát chặt chẽ vùng biên giới phía Đông với Nga, kể cả tại những khu vực không có chiến sự. Ngoài ra, Ukraine chỉ thị các lực lượng chức năng xác định các tài liệu để đơn phương phân định biên giới với Nga. Ukraine cũng đang xem xét việc cấm tiếp sóng thêm 4 kênh truyền hình của Nga, nâng tổng số kênh truyền hình Nga bị cấm tiếp sóng tại Ukraine lên 8 kênh. Ngoài ra, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng ra lệnh cấm mọi hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quân sự với Liên bang Nga.


Quan hệ ngày càng băng giá

Quan hệ giữa hai nước láng giềng Nga và Ukraine đang ngày càng trở nên giá lạnh sau khi Moscow quyết liệt cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine. Giữa bối cảnh căng thẳng như vậy, vụ biểu tình, tấn công bên ngoài Đại sứ quán Nga tại Kiev thực sự là “mồi lửa” châm thêm căng thẳng, đẩy quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Phía Moscow cáo buộc cảnh sát Ukraine không hành động gì để ngăn chặn vụ tấn công và gọi vụ việc là “một sự vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ quốc tế của Ukraine”. Không chỉ vậy, quyền Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsia còn gây ra một vụ bê bối trong lịch sử ngoại giao hai nước khi không kiềm chế đã buông lời xúc phạm đến Tổng thống Nga Vlaimir Putin bên ngoài đại sứ quán Nga ở Kiev. Hình ảnh vị quan chức ngoại giao này đứng bên những người biểu tình trong chiến dịch bao vây đại sứ quán Nga ở Kiev được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, đã gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Nga.

Giải pháp không đoán định được kết quả

Tuy nhiên, trong một động thái được cho là bước đi đầu tiên nhằm xoa dịu căng thẳng với Moscow, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm qua tuyên bố áp dụng một lệnh ngừng bắn đơn phương, tuyên bố sẵn sàng thực hiện những nhượng bộ tiếp theo với phe nổi dậy, trong đó có việc cải cách hiến pháp toàn diện, một biện pháp nhằm tăng cường quyền lực cho các địa phương. Ông Petro Poroshenko cũng cam kết công bố kế hoạch hòa bình toàn diện 14 điểm, nhằm tháo ngòi căng thẳng trong cuộc xung đột đang leo thang ở Ukraine, song cũng nhấn mạnh thời hạn của lệnh ngừng bắn này chỉ ‘rất ngắn”.

Theo các nhà phân tích, kế hoạch ngừng bắn này chỉ mang tính hình thức, là giải pháp tình thế, có tính toán, bởi lệnh ngừng bắn không bao gồm các cuộc đối thoại mà chỉ là lời kêu gọi các nhóm vũ trang hạ vũ khí và rời khỏi Ukraine. Trong khi nhà lãnh đạo Ukraine coi việc hạ vũ khí, rút quân ra khỏi miền Đông là điều kiện tiên quyết để đối thoại thì lực lượng ly khai ở miền Đông lại cho rằng những đề xuất của ông Poroshenko là “vô nghĩa”. Ngay cả Nga cũng nghi ngờ kế hoạch này của Tổng thống P. Poroshenko, cho rằng bất kỳ lệnh ngừng bắn nào phải mang tính toàn diện, không phải tạm thời và bước tiếp theo sau ngừng bắn phải là đối thoại. Nhưng với những diễn biến hiện nay, hiệu ứng từ lệnh ngừng bắn tạm thời này dường như đã có cái kết. Các lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine không dễ gì buông súng và Nga khó mà thuyết phục những người miền đông thực hiện theo lệnh ngừng bắn đó.

Trái ngược với tuyên bố đơn phương ngừng bắn, quân đội Ukraine lại công khai tiết lộ kế hoạch mua thêm 1.000 xe bọc thép để sử dụng trong chiến dịch trừng phạt ở miền Đông Ukraine, đồng thời cho biết nước này sẽ thành lập một đơn vị tác chiến tinh nhuệ đặc biệt trong tương lai gần để đối phó các mối đe dọa an ninh quốc gia. Cùng lúc, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố Moscow sẵn sàng cho bất cứ tình huống phát sinh nào ở Ukraine.

Trong lịch sử, Ukraine từng là một phần lãnh thổ của Nga. Về địa lý, Ukraine có chung đường biên giới rất dài với Moskva. Cộng đồng người Nga là cộng đồng thiểu số lớn nhất tại Ukraine. Về kinh tế, Nga là đối tác lớn nhất của Ukraine, cung cấp đến 60% nhu cầu khí đốt và 1/2 nguyên liệu thô cho nước này và cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Ukraine. Những chính biến xảy ra ở Ukraine thời gian qua, cùng những diễn biến căng thẳng hiện nay, từ quan hệ ngoại giao đến những bế tắc liên quan vấn đề khí đốt, đang làm rạn nứt thêm mối quan hệ giữa hai nước cựu Xô-viết này. Quan hệ Ukraine-Nga khó đoán định trong thời gian tới./.

Phản hồi

Các tin/bài khác