Việt Nam giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội

(VOV5) - Việt Nam đã và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 3 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu vượt và nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội.

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả kinh tế - xã hội năm 2018, tình hình những tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 20/5 cho thấy: Năm 2018, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế top đầu khu vực và thế giới. Năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, vì vậy Chính phủ Việt Nam đã xác định phương châm "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả" để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Việt Nam giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội - ảnh 1  Phó thủ tướng Trương Hoà Bình trình bày báo cáo của Chính phủ - Ảnh: Quang Phúc/vneconomy.vn

Trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả kinh tế - xã hội năm 2018, tình hình những tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết năm 2018, Việt Nam đã và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 3 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu vượt và nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội.

Tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam cao kỷ lục

Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội quý IV/2018 chuyển biến tích cực, góp phần mang lại kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của năm 2018 - năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016 - 2020. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt hơn 19 tỷ USD, tăng trên 9%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,2%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 480 tỷ USD và xuất siêu 6,8 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng được triển khai quyết liệt. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên. Kết quả trên đây khẳng định, những nhận định, đánh giá mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là phù hợp, trong đó có nhiều mặt tốt hơn.

Việt Nam giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội - ảnh 2

TP Hồ Chí Minh. Ảnh: cafef.vn

Những tháng đầu năm 2019, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua. Tăng trưởng kinh tế quý I đạt 6,79%. Xuất khẩu 4 tháng đạt gần 79 tỷ USD. Thời gian qua, Việt Nam thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tích cực thực hiện các chương trình, đề án mới về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết:   Xác định năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, Chính phủ đã tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc, nhất là về đầu tư, thương mại, thuế, phí, lao động, đất đai, tài nguyên... Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Tổ chức các hội nghị toàn quốc về: hội nhập quốc tế, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, chế biến nông sản, phát triển vùng kinh tế trọng điểm, du lịch, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo..., đưa ra những cơ chế, chính sách, giải pháp có tính đột phá, thúc đẩy những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tạo động lực cho phát triển.

Kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng

Qua tình hình triển khai 4 tháng đầu năm 2019 cho thấy hoạt động của nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cũng có tác động bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã được Quốc hội quyết định, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các cấp, các ngành tập trung mọi nỗ lực để vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó nhấn mạnh đến nhiệm vụ chính là: Kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng:

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; tập trung tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi, tận dụng cơ hội, thực hiện hiệu quả chương trình hành động triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, đặc biệt là Hiệp định CPTPP. Phát triển mạnh hệ thống bán lẻ, thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phát huy kết quả đạt được, với khát vọng bứt phá, vươn lên và đoàn kết nhất trí của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2019 đề ra.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác