“Việt Nam - Nhật Bản thúc đẩy hợp tác kinh tế”

(VOV5) - Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 23 tại Tokyo, Nhật Bản, từ 4 đến 8/6/2017. Ngoài mục đích khẳng định sự coi trọng, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản, chuyến thăm còn tạo tiền đề quan trọng để quan hệ kinh tế giữa 2 nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
“Việt Nam - Nhật Bản thúc đẩy hợp tác kinh tế”  - ảnh 1Buổi tọa đàm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp Nhật Bản. ( Vũ Dũng/VOV)

Sau hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973), Nhật Bản đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á vào năm 2009. Năm 2014, Việt Nam và Nhật Bản ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á”. Năm 2015, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Tổng bí thư Ban chấp hành TW Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ra ”Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam-Nhật Bản”.

Đẩy mạnh hợp tác kinh tế

Quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản có sự cải thiện nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ về kinh tế, thương mại.    Nhật Bản hiện là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Quốc gia này là nhà đầu tư lớn thứ 2 và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Nếu như năm 2006, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 9,93 tỷ USD thì đến nay con số đó đã đạt xấp xỉ 30 tỷ USD. Đặc biệt, khi một loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và đang được ký kết sẽ là lực đẩy tạo ra dòng chảy thương mại giữa các quốc gia và các đối tượng tham gia, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản. Hiện Việt Nam đang có hai hiệp định thương mại (FTA) lớn với Nhật Bản gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA).

Bên cạnh việc trao đổi thương mại hàng hóa, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng rất quan tâm tới thị trường Việt Nam và quy mô đầu tư ngày một lớn. Tại cuộc khảo sát mới đây, có tới 53% doanh nghiệp Nhật Bản đã nêu tên Việt Nam trong kế hoạch đầu tư của mình, tăng 5% so với năm trước đó. Điều này cho thấy sự lạc quan về quan hệ giữa hai nước và khẳng định mục tiêu kim ngạch thương mại Việt Nam- Nhật Bản sẽ cán đích 60 tỷ USD vào năm 2020.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành những cải cách và cơ cấu kinh tế một cách sâu rộng, các cơ hội để đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam ngày càng nhiều đối với các đối tác doanh nghiệp Nhật Bản. Những cơ hội này bao gồm các hoạt động sáp nhập với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, phát triển hạ tầng, xây dựng, vận tải, viễn thông, thực phẩm và nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ, ngành công nghiệp phụ trợ… Đề cập cơ hội đầu tư tại Việt Nam, Tổng giám đốc điều hành Daiwa Security, ông Yuchi Akai cho biết: “Chúng tôi có một quỹ kêu gọi đầu tư mới ở thị trường Việt Nam và đã kêu gọi được khá nhiều vốn vào quỹ này. Chúng tôi giới thiệu các đối tác với các nhà đầu tư của Việt Nam với nhà đầu tư Nhật Bản, trong đó có những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất sữa, ngân hàng… Hiện chúng tôi đang tập trung kêu gọi đầu tư tài chính vào Việt Nam.”

Để đẩy mạnh hợp tác kinh tế, trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một diễn đàn doanh nghiệp song phương lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức vào ngày 5/6 với sự tham gia của 1.500 doanh nghiệp hai nước. Điều này thể hiện sự quan tâm lớn của 2 Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư và thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản. Tại diễn đàn này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và hành động của Chính phủ Việt Nam nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và công khai, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản. Thủ tướng cũng có các buổi làm việc với nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ, sản xuất chế tạo, tin học... Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng, ông Toshifumi Watanabe, Chủ tịch Tập đoàn J-Power, cho biết: “Công ty chúng tôi có vai trò quan trọng đối với kinh tế Nhật Bản và chắc chắn với kinh nghiệm của chúng tôi cũng có thể hỗ trợ phía Việt Nam về hợp tác tư vấn kỹ thuật cũng như đầu tư. Hy vọng cuộc gặp này sẽ là bước khởi đầu để có thể phát triển hợp tác đầu tư trong tương lai.”

Đáng chú ý nhân chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam cũng ký kết hợp tác, đầu tư với doanh nghiệp Nhật Bản với các hợp đồng có tổng giá trị nhiều tỷ USD.  

Thể hiện vai trò của Việt Nam cùng các đối tác đối phó những thách thức của khu vực

Trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc được Tập đoàn Nikkei mời làm diễn giả chính tại phiên khai mạc Hội nghị Quốc tế về Tương lai Châu Á diễn ra trong 2 ngày 5-6/6 tại Tokyo. Với chủ đề “Toàn cầu hóa ở ngã ba đường - Hành động của châu Á” , hội nghị thu hút hơn 400 chính trị gia trong đó có những người đứng đầu chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp lớn và chuyên gia cấp cao của khu vực cũng như trên thế giới. Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam với hòa bình, ổn định và phát triển khu vực, truyền tải đến cộng đồng quốc tế thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam đang tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới với các đối tác và doanh nghiệp các nước, trong đó có Nhật Bản.

Sau hơn 40 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ. Chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là động lực, góp phần tạo ra một làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong những năm tới. Đây là nguồn ngoại lực quan trọng, góp phần phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác