Việt Nam nỗ lực hội nhập quốc tế toàn diện

(VOV5) - Không chỉ gắn kết ngày càng sâu sắc hơn với dòng chảy trên thế giới, công tác đối ngoại góp phần đưa vị thế Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại của Việt Nam từ đầu năm đến nay tiếp tục được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phục vụ đắc lực mục tiêu đối ngoại “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc”. Không chỉ gắn kết ngày càng sâu sắc hơn với dòng chảy trên thế giới, công tác đối ngoại góp phần đưa vị thế Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế.

Việt Nam nỗ lực hội nhập quốc tế toàn diện - ảnh 1Ảnh: vneconomy 

Có thể khẳng định chưa năm nào mà các hoạt động đối ngoại của Việt Nam lại dày đặc và triển khai mạnh mẽ như năm nay. Bên cạnh các hoạt động ngoại giao song phương, đa phương, việc đăng cai tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2017) cũng đem đến cho Việt Nam cơ hội giới thiệu đến bạn bè khu vực về một đất nước đổi mới, năng động, có nhiều tiềm năng phát triển, đang trên con đường hội nhập toàn diện với tâm thế mới.

Hoạt động ngoại giao sôi động và thành công

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đón gần 20 nguyên thủ các nước đến thăm Việt Nam và Việt Nam cũng thực hiện 16 chuyến thăm nước ngoài ở tất cả các kênh ngoại giao Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. Trong đó, Việt Nam dành ưu tiên cao với các nước lớn, các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống. Trong đó phải kể đến các chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Trung Quốc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm một số quốc gia Châu Âu…

Việt Nam nỗ lực hội nhập quốc tế toàn diện - ảnh 2Ngày 1/7, tại Saint Petersburg, Chủ tịch nước thăm chiến hạm Rạng Đông (ảnh: TTXVN) 

Thông qua các chuyến thăm cấp cao này, Việt Nam vừa tranh thủ được nguồn lực để phát triển đất nước, vừa giữ được môi trường hòa bình, ổn định, duy trì được thế trận đối ngoại vững vàng, vị thế Việt Nam được nâng lên. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: Phương châm của chúng ta vẫn kiên trì đường lối “là bạn với tất cả các nước”, đa dạng hóa, đa phương hóa trên cơ sở độc lập tự chủ của chúng ta, trên cơ sở của luật pháp quốc tế. Mục đích là tạo được  lợi ích chung với các nước, duy trì hòa bình ổn định, nhất là hòa bình ổn định của chúng ta, tiếp tục làm sâu sắc quan hệ với các nước trong khuôn khổ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đặc biệt là các nước láng giềng, các nước lớn quan trọng.

Việt Nam nỗ lực hội nhập quốc tế toàn diện - ảnh 3Ảnh: baotintuc.vn 

Cùng với trao đổi đoàn cấp cao, quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng thêm gắn bó, khăng khít khi Việt Nam tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Lào, kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Campuchia, kỷ niệm 50 Ngày thành lập ASEAN. Cùng các quốc gia thành viên ASEAN, Việt Nam giương cao ngọn cờ đoàn kết trong ASEAN, nâng cao vị thế vai trò của ASEAN, bảo vệ các lợi ích sát sườn của đất nước. Bằng chứng là ASEAN và Trung Quốc chính thức thông qua Dự thảo khung của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) sau nhiều năm đàm phán. Ông Võ Văn Phuông, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, khẳng định: Thông qua các kênh chính trị ngoại giao song phương và đa phương, khu vực và quốc tế, chúng ta đã phản ánh làm rõ lập trường của Việt Nam là kiên định và kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, duy trì đoàn kết trong ASEAN.

 Đóng góp tích cực tại các diễn đàn đa phương

Ngoại giao đa phương Việt Nam cũng có sự chuyển biến mạnh, từ vai trò “tham dự” sang “chủ động, tích cực tham gia” thực chất vào quá trình xây dựng và định hình luật chơi chung trong các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế. Ngoài tham gia tích cực tại Diễn đàn đa phương như Diễn đàn kinh tế thế giới, Liên minh Nghị viện thế giới, Diễn đàn an ninh khu vực, Việt Nam cũng đảm nhiệm tốt vai trò thành viên của các cơ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc như Hội đồng nhân quyền, Ủy ban Di sản thế giới, Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên Hợp Quốc, Hội đồng chấp hành UNESCO, Ủy ban Pháp luật quốc tế của Liên Hợp Quốc. Đặc biệt, Năm APEC 2017 được xác định là trọng tâm đối ngoại của Việt Nam trong năm nay.

Việt Nam nỗ lực hội nhập quốc tế toàn diện - ảnh 4 Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn. Ảnh: Linh Anh

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn khẳng định:Đây là dịp để chúng ta thể hiện một nền kinh tế Việt Nam đổi mới, năng động, giàu tiềm năng và tích cực hội nhập quốc tế. Hình ảnh con người Việt Nam yêu hòa bình, hòa hiếu, tình nghĩa, văn minh, thân thiện. Năm APEC 2017 cũng là cơ hội tăng cường tình hữu nghị, quan hệ đối tác với các thành viên APEC. Doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện thiết lập quan hệ kinh doanh với các đối tác hàng đầu thế giới, mang lại cơ hội phát triển, giao lưu cho các vùng miền, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Với thế và lực mới, với mạng lưới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đã tạo dựng, Việt Nam đã và đang tự tin ổn định vị thế quốc tế của đất nước trước các biến động của tình hình. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục hoàn thành tốt vai trò nước chủ nhà APEC và tranh thủ một cách hiệu quả hoạt động này để thúc đẩy quan hệ song phương với các nước, biến các hoạt động đa phương, các hoạt động ngoại giao cấp cao thành cơ hội thực hiện các lợi ích phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác