Việt Nam tăng cường vai trò và vị thế trong APEC

(VOV5) - Năm APEC 2018 có ý nghĩa quan trọng đối với APEC nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Diễn đàn vào năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 trong 2 ngày 17 và 18/11 tại Papua New Guinea. Tham dự Hội nghị lần này, Việt Nam tiếp tục phát huy các kết quả quan trọng của Năm APEC 2017, nhất là xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020, tích cực đóng góp vào các quan tâm chung của APEC về duy trì đà hợp tác, liên kết khu vực.

Việt Nam tăng cường vai trò và vị thế trong APEC - ảnh 1  Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: VOV

Năm APEC 2018 có chủ đề “Tận dụng cơ hội tăng trưởng bao trùm, phát huy tương lai số”, tập trung vào ba ưu tiên gồm: tăng cường kết nối và thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực; thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, bền vững; đẩy mạnh tăng trưởng bao trùm thông qua cải cách cơ cấu.

Năm APEC 2018 có ý nghĩa quan trọng đối với APEC nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Diễn đàn vào năm 2019.

APEC phát huy vai trò là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu

Tuần lễ Cấp cao APEC 2018 sẽ diễn ra tại Port Moresby, Papua New Guinea, từ 12 - 18/11/2018. Trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh và sâu sắc dưới tác động của Cách mạng công nghệ 4.0, hiện APEC đang triển khai các chiến lược, chương trình hợp tác lớn gồm: Chiến lược tăng trưởng chất lượng đến năm 2020, Chương trình nghị sự mới về cải cách cơ cấu đến năm 2020, Lộ trình cạnh tranh dịch vụ đến năm 2025, Kế hoạch kết nối tổng thể đến năm 2025, Chương trình nghị sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đến năm 2030, Khuôn khổ phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số đến năm 2025.

Việt Nam tăng cường vai trò và vị thế trong APEC - ảnh 2Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong những năm vừa qua đã đóng góp rất quan trọng cho kinh tế và thương mại thế giới. Tăng trưởng của APEC cũng đóng góp rất lớn vào nâng cao đời sống của người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo. Điều đó cho thấy dòng chảy của toàn cầu hóa, đặc biệt là các biện pháp của APEC nhằm tạo thuận lợi và tự do hóa thương mại, đã đóng góp vào sự tăng trưởng từng nền kinh tế thành viên cũng như APEC nói chung. Tuy nhiên, trước tác động của toàn cầu hóa, đặc biệt là xu hướng bảo hộ thương mại, lãnh đạo các nền kinh tế APEC cần phải định hướng xu thế hợp tác, duy trì vai trò của khu vực là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầuBộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Thực tế là trong dòng chảy của toàn cầu hóa, chúng ta đã chứng kiến ở đâu đó có xu thế tạm thời, cục bộ của chủ nghĩa bảo hộ trên nền tảng của chủ nghĩa dân túy. Các chính sách về kinh tế, thương mại và  đầu tư của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế sẽ dựa trên nền tảng bối cảnh chung trong chính sách quốc gia của các nền kinh tế đó trong thời điểm nhất định, yêu cầu cần phải có những chính sách đảm bảo tính cân bằng, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bộ phận dân chúng trong nền kinh tế.  

Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò khởi xướng, điều phối trong APEC

Trong bối cảnh đó, năm 2018 đánh dấu 20 năm Việt Nam tham gia Diễn đàn APEC. Năm APEC 2018, Việt Nam tham gia với vị thế được nâng cao, đặc biệt sau thành công của Năm APEC 2017 và thành tựu tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế nổi bật thời gian qua.

Đến nay, Việt Nam đã chủ động phối hợp với chủ nhà Papua New Guinea và các thành viên đóng góp tích cực vào triển khai các chương trình hợp tác dài hạn của APEC. Trong năm 2018, các bộ, ngành của Việt Nam đã tranh thủ nguồn lực các quỹ dự án của APEC để triển khai 14 dự án nâng cao năng lực dành cho công chức, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phụ nữ, người lao động trong các lĩnh vực đàm phán thương mại, kỹ năng số, y tế, năng lượng.., đưa Việt Nam trở thành một trong những thành viên đi đầu đề xuất và triển khai các sáng kiến APEC trong năm 2018. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Chúng ta phải có cách xử lý thấu đáo, đảm bảo hài hòa, có hiệu quả lợi ích, cũng như thể hiện trách nhiệm cam kết của mỗi quốc gia. Việt Nam cũng chịu những tác động bất lợi của quá trình toàn cầu hóa. Vì vậy quá trình các quốc gia phải cùng đàm phán, chia sẻ, cùng thống nhất cam kết cùng hội nhập trong cùng một khuôn khổ, tìm hiểu lẫn nhau về nhu cầu năng lực, điều kiện cụ thể để đảm bảo cho khuôn khổ hội nhập đó khả thi, có hiệu quả, công bằng, minh bạch, đảm bảo lợi ích cho từng nền kinh tế tham gia.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao APEC 26 và các Hội nghị liên quan tiếp tục tích cực đóng góp vào các quan tâm chung của APEC. Qua hợp tác APEC, Việt Nam tiếp tục đóng góp duy trì đà hợp tác, liên kết khu vực, thúc đẩy triển khai các kết quả quan trọng của Năm APEC 2017, tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của đất nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác