Việt Nam tích cực xây dựng GMS hội nhập, phát triển bền vững và thịnh vượng

(VOV5) - Đây là hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam trong năm nay, thể hiện sự đóng góp tích cực của Việt Nam xây dựng khu vực Mekong thịnh vượng, hội nhập và phát triển bền vững.

Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV) lần thứ 10 khai mạc ngày 31/3 tại Hà Nội. Đây là hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam trong năm nay, thể hiện sự đóng góp tích cực của Việt Nam nhằm xác định hướng đi cho hợp tác GMS, xây dựng khu vực Mekong thịnh vượng, hội nhập và phát triển bền vững.

Việt Nam tích cực xây dựng GMS hội nhập, phát triển bền vững và thịnh vượng - ảnh 1Toàn cảnh phiên họp hội đồng kinh doanh GMS. Đức Anh/VOV5 

Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) là vùng lãnh thổ rộng lớn bao gồm 6 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc (gồm 02 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây) và Việt Nam, với tổng diện tích là 2,6 triệu km2 và dân số khoảng 340 triệu người. Từ năm 1992, với sự trợ giúp của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), 6 nước bắt đầu thực hiện một chương trình hợp tác tiểu vùng (GMS) nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với nhau. Mục tiêu của Hợp tác kinh tế GMS là xây dựng một Tiểu vùng phát triển thịnh vượng, hội nhập và bình đẳng.

Khu vực giàu tiềm năng phát triển

Về mặt địa kinh tế, GMS là khu vực rất quan trọng bởi vì nó nằm ở trung tâm kết nối từ phía nam Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á phía dưới. Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý, Trưởng ban tổ chức GMS 6 nhận định: Đây cũng là khu vực tăng trưởng GDP tăng trưởng nhanh trong khu vực. Tiềm năng ở đây đang được khơi dậy bởi những sáng kiến kết nối về cơ sở hạ tầng rất lớn. Ở trục Bắc-Nam có rất nhiều sáng kiến kết nối, từ Côn Minh, Nam Ninh tới Singapore. Trục Đông-Tây thì có những sáng kiến kết nối như kết nối bờ biển của Việt Nam với Lào, đông bắc Thái Lan, Myanmar… Cùng với sự phát triển kết nối cơ sở hạ tầng, sự thông thoáng về các thủ tục thông quan, kể cả con người và hàng hóa, còn có sự phát triển của các hành lang kinh tế đi kèm, khu vực GMS là khu vực có rất nhiều tiềm năng

Việt Nam tích cực xây dựng GMS hội nhập, phát triển bền vững và thịnh vượng - ảnh 2

Đại biểu tham dự tại phiên họp. Đức Anh/VOV5 

Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) được hình thành đến nay đã được 26 năm, trải qua 5 kỳ hội nghị thượng đỉnh, 22 hội nghị cấp bộ trưởng và thông qua rất nhiều khuôn khổ hợp tác. Tất cả nhằm mục tiêu thuận lợi hóa cho phát triển, đưa GMS trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững, biến vị thế của khu vực GMS từ vùng nghèo của ASEAN, của Đông Nam Á trở thành khu vực có tiềm năng được khơi dậy và phát triển, đuổi kịp những vùng khác.

Với 3 trụ cột hợp tác là kết nối hạ tầng (cả hạ tầng cứng và mềm), tạo thuận lợi hóa cho lưu thông hàng hóa, dịch vụ, khả năng cạnh tranh, kết nối cộng đồng, đến nay, GMS đã hình thành rất nhiều văn bản pháp lý, những kế hoạch, khung chiến lược phát triển chung cho cả 6 nước và 2 tỉnh Trung Quốc, cũng như từng nước để trên cơ sở đó xây dựng chiến lược phát triển kinh tế của mình phù hợp với khung chiến lược chung đó.

Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác GMS

Đối với Việt Nam, hợp tác GMS có vai trò hết sức quan trọng. Việt Nam đã tham gia hợp tác ngay từ giai đoạn đầu, tích cực đóng góp vào hầu hết tất cả các sáng kiến hợp tác của hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng. Sự tham gia của Việt Nam mang nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo cũng như góp phần gia tăng liên kết kinh tế khu vực. Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý khẳng định: Việt Nam tích cực tham gia GMS bởi Việt Nam coi hợp tác GMS là hợp tác rất quan trọng, gắn liền với những đối tác về an ninh phát triển quan trọng nhất của mình, vừa là đối tác vừa là anh em. Từ những năm 90, Việt Nam tham gia tích cực, tham gia vào các dự án, lồng ghép các chiến lược kế hoạch phát triển đất nước về kết nối hạ tầng đều có tính đến kế hoạch chung của GMS, vừa để khai thác thế mạnh tổng thể vừa đóng góp vào quá trình hợp tác GMS. Tính đến 12/2017, Việt Nam có các dự án tham gia đạt quy mô đạt 6 tỷ USD, trong đó phần lớn đầu tư cho giao thông.

Nhằm mục tiêu đưa GMS trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững, trong khuôn khổ Hội nghị lần này, Việt Nam lần đầu tiên đưa ra sáng kiến tổ chức Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS với quy mô lớn. Qua đây, các nhà lãnh đạo 6 nước tiểu vùng Mekong mở rộng cùng các doanh nghiệp có cơ hội kết nối, gặp gỡ, quảng bá tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của nhau. Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) diễn ra trong dịp này cũng là dịp để các nhà lãnh đạo 3 nước rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển giai đoạn 2010-2020, thảo luận định hướng thời gian tới, đặc biệt là tăng cường kết nối 3 nền kinh tế.

Việt Nam là thành viên tích cực và chủ động trong cả hai cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng và tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam. Việc đăng cai chủ trì Hội nghị hợp tác tiểu Mekong mở rộng và tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong hợp tác tiểu vùng Mekong nói chung, hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng và tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam nói riêng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác