Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò thành viên tích cực trong hợp tác Mekong-Nhật Bản

(VOV5) - Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Nhật Bản lần này đánh dấu 10 năm hình thành và phát triển cơ chế hợp tác Mekong - Nhật Bản.

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 10 và thăm Nhật Bản từ ngày 7-10/10. Đây là sự kiện quan trọng, được kỳ vọng tạo ra một dấu mốc mới trong cơ chế hợp tác Mekong – Nhật Bản, đồng thời thể hiện Việt Nam coi trọng cơ chế hợp tác Mekong - Nhật Bản, mong muốn đóng vai trò tích cực trong cơ chế hợp tác này cũng như phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới.

Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò thành viên tích cực trong hợp tác Mekong-Nhật Bản - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Nhật Bản lần này đánh dấu 10 năm hình thành và phát triển cơ chế hợp tác Mekong - Nhật Bản và 3 năm triển khai chiến lược Tokyo với những kết quả nổi bật trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, quản lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, giao lưu nhân dân…

Cơ chế hợp tác hiệu quả

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 12 ở Philippines (tháng 1/2007), Nhật Bản đã đề xuất Chương trình quan hệ đối tác Mekong – Nhật Bản tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: Hội nhập kinh tế tiểu vùng (cải thiện kết cấu hạ tầng, tăng cường liên kết khu vực…); Mở rộng thương mại - đầu tư giữa Nhật Bản và khu vực Mekong; Theo đuổi các giá trị phổ cập và mục tiêu chung của khu vực như xóa đói, giảm nghèo, mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường…

Cho tới nay, Nhật Bản và các nước Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam đã tiến hành 9 Hội nghị Cấp cao, 11 Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế, đã đạt được nhiều thỏa thuận và kết quả cụ thể. Thời gian qua, các lĩnh vực hợp tác giữa Mekong-Nhật Bản được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực: Phát triển hạ tầng cứng và mềm, phát triển kinh tế bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển; Bảo vệ môi trường, ứng phó với thách thức như dịch bệnh, thiên tai; tăng cường giao lưu giữa các nước Mekong và Nhật Bản.

Trong giai đoạn 2016 – 2018, Hợp tác Mekong – Nhật Bản triển khai “Chiến lược Tokyo mới 2015” và “Kế hoạch hành động Mekong – Nhật Bản nhằm thực hiện Chiến lược Tokyo mới 2015” với mục tiêu đạt được “tăng trưởng chất lượng” và tiếp tục phát triển kinh tế một cách bền vững và đồng đều tại tiểu vùng Mekong. Đáng chú ý, tại Hội nghị Cấp cao Mekong – Nhật Bản lần thứ 7 (4/7/2015), Thủ tướng Nhật Bản đã dành 750 tỷ Yên (khoảng 6,7 tỷ USD) vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước tiểu vùng Mekong để triển khai “Chiến lược Tokyo 2015” và ưu tiên tiểu vùng Mekong trong thực hiện Sáng kiến 110 tỷ USD hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về phát triển hạ tầng chất lượng cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Hội nghị lần này thông qua “Chiến lược hợp tác Tokyo 2018” định hướng cho hợp tác Mekong – Nhật Bản giai đoạn 2019 – 2021. Đồng thời, Hội nghị cũng đánh giá lại những bài học kinh nghiệm từ quá trình 10 năm hợp tác và những cơ hội, thách thức của hợp tác Mekong – Nhật Bản trong giai đoạn mới.

Việt Nam đóng vai trò tích cực trong cơ chế hợp tác Mekong-Nhật Bản

Nằm ở vị trí cửa ngõ của khu vực Mekong, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác với các quốc gia tiểu vùng, nhất là cơ chế hợp tác Mekong - Nhật Bản. Ngay từ khi cơ chế hợp tác này được hình thành, Việt Nam đã thể hiện vai trò của một quốc gia có trách nhiệm, năng động và tích cực.

Sau 10 năm hợp tác, với những đóng góp hiệu quả, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò, có tiếng nói quan trọng trong nhiều vấn đề lớn của Hợp tác Mekong – Nhật Bản. Việt Nam là đối tác tin cậy, sẵn sàng cùng Nhật Bản và các nước xây dựng các kế hoạch hợp tác dài hạn hướng tới mục tiêu chung là phát triển và thu hẹp khoảng cách phát triển của các nước tiểu vùng Mekong.

Có thể kể đến các sáng kiến nổi bật của Việt Nam trong thời gian qua như sáng kiến “Tăng cường kết nối các hành lang kinh tế tại Tiểu vùng Mekong qua thúc đẩy vận tải đa phương thức” hay sáng kiến “Mở rộng kết nối tiểu vùng Mekong với các khu vực xung quanh như Nam Á”. Các sáng kiến này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nước đối tác. Từ cơ chế hợp tác Mekong – Nhật Bản, nhiều dự án đã được triển khai ở Việt Nam, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ thăm Nhật Bản. Chuyến thăm đặc biệt diễn ra trong dịp hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tăng cường tin cậy chính trị giữa hai nước. Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 và thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy, sẵn sàng cùng Nhật Bản và các nước xây dựng các kế hoạch hợp tác dài hạn hướng tới mục tiêu chung là phát triển và thu hẹp khoảng cách phát triển của các nước tiểu vùng Mekong cũng như trong việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác