Tháng 12 và những ký ức không thể quên về “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”

(VOV5) - Tại Hà Nội, cuộc ném bom hủy diệt của không quân Mỹ nhằm "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá" đã phá hủy nhiều khu dân cư 

Tháng 12/1972 trở thành mốc thời gian không thể nào quên đối với những ai từng trải qua giai đoạn lịch sử “Hà Nội 12 ngày đêm” chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các địa phương lân cận. Mời quý vị và các bạn cùng ngược dòng thời gian, trở lại những ngày máy bay B52 của Mỹ bắn phá ác liệt nhất.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Liên tục trong 12 ngày đêm, từ 18/12 đến 30/12/1972, Mỹ thực hiện Chiến dịch quân sự mang tên Linebacker II, sử dụng lực lượng không quân chiến lược với máy bay B-52 làm nòng cốt, cùng hàng trăm máy bay khác ném bom rải thảm xuống thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác ở miền Bắc Việt Nam.

Sau hồi còi báo động, người già, trẻ nhỏ lập tức tìm hầm trú ẩn, thanh niên, công nhân viên chức và lực lượng dân phòng cùng phối hợp với các đơn vị bộ đội vững chắc tay súng, bắn trả máy bay địch. Nhớ lại những hồi còi dồn dập ấy, ông Nguyễn Văn Hậu, đội trưởng đội dân phòng khối 60, ở làng Phương Liệt, nay là phố Phương Liệt, quận Thanh Xuân, kể: “Ai sản xuất cứ sản xuất, ai làm gì cứ làm. Nhưng đến lúc có báo động thì vị trí nào về vị trí đó, súng đạn đeo trên người, ai phụ trách khẩu trung liên thì ra vị trí đó”.

Tháng 12 và những ký ức không thể quên về “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” - ảnh 1 Một góc phố Khâm Thiên sau trận trải thảm của B52. Ảnh tư liệu.

Làng Phương Liệt ngày ấy nằm gần sân bay Bạch Mai và bệnh viện Bạch Mai, 2 trong số những địa điểm hứng chịu nhiều đợt ném bom của máy bay B52 khi đó và cũng là nơi bị tàn phá nặng nề. Sau trận bom, đình làng, trường học cho tới nhà dân đều bị san phẳng, nhưng điều đó không thể làm nao núng tinh thần người dân làng. Ông Nguyễn Văn Hậu cho biết: “Khi máy bay địch đánh sân bay Bạch Mai thì ở làng Phương Liệt cũng phải hứng chịu. Nhưng mọi người nói với nhau không bao giờ rời làng, dù thế nào cũng kiên quyết bảo vệ làng. Chúng tôi còn đi lên Khâm Thiên, sân bay Bạch Mai để cứu sập”.

Tại Hà Nội, cuộc ném bom hủy diệt của không quân Mỹ nhằm "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá" đã phá hủy nhiều khu dân cư như: Khâm Thiên, An Dương, Uy Nỗ, Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh, Văn Điển, Giáp Bát, bệnh viện Bạch Mai, đài phát thanh Mễ Trì... làm 2.380 người chết và 1.355 người bị thương.

Là một trong những người đã tham gia trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, ông Trần Ngọc Lam, nguyên xã đội trưởng của đơn vị Pháo Phòng không dân quân Mễ Trì, Hà Nội, nhớ lại: “Chúng tôi ngày trước là bắn rơi tại chỗ một chiếc máy bay F4, cho đến tháng 12/1972 thì máy bay Mỹ đánh 4 trận bom ở trận địa. Có 100 mét vuông mà chúng tôi phải chịu 6 quả bom. Có 11 người thì 6 người của chúng tôi hy sinh”.

Cùng trong 12 ngày đêm ấy, cùng với Hà Nội, quân và dân Hải Phòng, Thái Nguyên cũng kiên cường chiến đấu, quyết liệt chống trả những đợt tấn công của không lực Mỹ.

45 năm đã trôi qua nhưng ký ức về những ngày chiến đấu hào hùng chống trả máy bay của quân đội Mỹ những ngày cuối tháng 12 năm 1972 vẫn còn in rõ trong tâm trí bà Trần Thị Thanh Thọ (88 tuổi) khi ấy là Chủ tịch Hội phụ nữ thành phố Hải Phòng: “Máy bay Mỹ bắn phá trong đêm cứ nhoang nhoáng. Cửa kính thì phải dán giấy cho khỏi vỡ. Máy bay bắn thì từ xa thế mà rung rơi cả cửa kính. Xuống khu nhà máy xi măng lúc bấy giờ người ta cũng sơ tán nhiều rồi nhưng vẫn phải đảm bảo sản xuất. Trong tình hình ấy, cứ báo động là xuống hầm, xong lại lên, ở đâu cũng thế”.

Tháng 12 và những ký ức không thể quên về “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” - ảnh 2B-52 phơi xác trên đường phố Hà Nội, một trong những tấm ảnh nổi tiếng về trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Ảnh tư liệu 

Ở Hải Phòng khi ấy, trên các dòng sông Bạch Đằng, Lạch Tray, Cửa Cấm, mỗi chiếc tàu, thuyền đánh cá, vận tải là một trận địa. Vùng cửa sông Cấm những ngày đó trở thành một “tọa độ lửa” đối với máy bay địch.

Sau 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 của không lực Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và một số khu vực ở miền Bắc đã bị thất bại hoàn toàn. Chỉ trong 12 ngày đêm ấy, lần đầu tiên trong lịch sử "siêu pháo đài bay" B52” thất trận và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trong số 81 máy bay của không lực Mỹ bị bắn rơi có tới 34 chiếc B52 bị quân dân các địa phương hạ gục.

Với tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, quân dân Việt Nam đã làm nên kỳ tích lịch sử “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vang dội, thể hiện tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác