Về sỹ quan không quân Hoa kỳ trên chiếc B52 đầu tiên bị bắn rơi tại Hà Nội

(VOV5) - 40 năm đã trôi qua nhưng những trải nghiệm kinh hoàng đêm 18/12/1972 trên bầu trời Hà Nội, một trong những thời điểm đen tối nhất trong lịch sử không quân Mỹ, vẫn ám ảnh tâm trí của vị linh mục 65 tuổi Robert Certain. Từng hình ảnh, từng lời nói, từng hành động vẫn hiển hiện trong ký ức ông như thể chuyện mới xảy ra hôm qua. Đó cũng là đêm đã thay đổi hoàn toàn số phận của viên sỹ quan hoa tiêu trên chiếc B52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội trong chiến dịch 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" hào hùng của dân tộc Việt Nam.


Bấm để nghe âm thanh:





Về sỹ quan không quân Hoa kỳ trên chiếc B52 đầu tiên bị bắn rơi tại Hà Nội - ảnh 1
Linh mục Robert Certain chụp hình với PV VOV


Robert Certain sinh năm 1947 tại bang Georgia, Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, Robert được tuyển vào không quân Mỹ và trở thành sỹ quan hoa tiêu cho máy bay ném bom chiến lược B52, "Pháo Đài bay" mà người Mỹ luôn tự hào là bất khả xâm phạm. 


Robert được điều sang Việt Nam và nhận lệnh xuất phát ngay trong ngày đầu tiên của chiến dịch ném bom rải thảm đầy tủi hổ mang mật danh Linebacker II cuối tháng 12/1972. Dù luôn tin vào khả năng "bất khả chiến bại" của loại máy bay ném bom tối tân nhất của không quân Mỹ khi đó, một nỗi sợ hãi mơ hồ cứ lẩn khuất đâu đó trong lòng viên hoa tiêu 25 tuổi suốt chuyến bay 8 giờ đồng hồ từ đảo Guam ngoài khơi Thái Bình Dương tới mục tiêu ném bom tại Hà Nội. 



Dưới mặt đất là hệ thống tên lửa đất đối không SAM2 dày đặc, cùng những chiếc MIG tiêm kích nức tiếng đã sẵn sàng vào vị trí xuất kích. Nhưng trên hết, Robert đang phải đối mặt với những con người quả cảm, quật cường, chưa bao giờ biết khuất phục trước bất kỳ thế lực ngoại xâm nào suốt hàng nghìn năm qua. Và nỗi sợ hãi của Robert hoàn không phải vô căn cứ. 

"Sau khi tiếp cận mục tiêu, khoảng 15 giây trước khi không kích theo kế hoạch, chúng tôi bắt đầu mở khoang chứa bom. Nhưng chỉ 5 giây sau, chúng tôi đã bị 2 quả tên lửa đất đối không (SAM-2) tấn công. Tên lửa nổ ngay sát máy bay và chúng tôi hứng trọn các mảnh vỡ khi bay xuyên qua chúng. Máy bay của chúng tôi bị hỏng một vài động cơ, có thể là 4 chiếc phía bên trái. 2 thành viên phi hành đoàn bị thương nặng và máy bay bắt đầu bốc cháy, nguy cơ nổ rất cao, buộc chúng tôi phải nhảy dù". 


Thoát khỏi chiếc B52 đã mất khả năng kiểm soát, qua ánh trăng Rằm vằng vặc, viên hoa tiêu nhìn rõ một rặng cây, nơi có thể trở thành chốn ẩn náu tạm thời trước khi tính chuyện liên lạc với đội giải cứu. Nhưng thấp thoáng dưới bóng cây lại là những mái rạ của một làng quê nhỏ. Sợ bị bắt, Robert hướng dù ra một thửa ruộng mới cày ngay cạnh con mương cạn. 


Nhưng không lâu khi chạm đất, viên sỹ quan không quân Mỹ đã bị một phụ nữ phát hiện. Trong chốc lát, dân làng vây kín thửa ruộng trong cơn thịnh nộ ngút trời. Robert bắt đầu mường tượng đến một kết cục tồi tệ nhất. Nhưng ông ta không ngờ rằng "đối tượng" lại nhân đạo đến vậy đối với kẻ vừa dội bom tàn phá đất nước họ, sát hại người thân họ, đồng bào họ. 


"Dân làng rất giận dữ nhưng các dân quân đã bảo vệ tôi. Tôi được đưa vào một ngôi nhà và thấy một viên chức địa phương đang ghi thông tin từ thẻ căn cước của tôi. Lúc đó, người dân ở bên ngoài không còn tỏ thái độ thù địch với tôi nữa. Dân quân đã lấy một số bàn trong phòng để che cửa sổ, phòng khả năng tôi bị ném từ bên ngoài. Tôi bị đưa về nhà tù Hỏa Lò qua một bến phà trên sông Hồng. Lúc đó tôi rất sợ và đã chuẩn bị sẵn tinh thần. Tôi lo rằng mình sẽ bị ép cung, tra tấn, nhục hình, nhưng điều đó đã không xảy ra".  

Về sỹ quan không quân Hoa kỳ trên chiếc B52 đầu tiên bị bắn rơi tại Hà Nội - ảnh 2
Phi công Robert Certain trong hầm trú bom


Robert bị giam tròn 100 ngày tại Hà Nội trước khi được trả tự do theo điều khoản trao đổi tù binh của Hiệp định Paris năm 1973. Ông về nước, mang theo những chấn thương tâm lý mà hầu hết các binh sỹ trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh tại Việt Nam đều gặp phải. 


"Tôi gọi đó là bóng ma Giáng sinh trong quá khứ. Khi các binh sỹ tham chiến trở về nhà, tất cả đều thay đổi. Họ chứng kiến những gì mà dân thường không bao giờ được chứng kiến. Họ chứng kiến bạn bè tử trận, chứng kiến hoặc chính tay giết hại người khác. Khi còn nhỏ, chúng ta được cha mẹ dạy không được làm tổn hại đến người thân, đến hàng xóm, không phá đồ chơi hay hủy hoại tài sản của người khác. Thế nhưng khi tham chiến, đây chính là những điều chúng tôi làm, sát hại và phá hủy tài sản của người khác vì mục tiêu chính trị của chính phủ. Tôi hiểu rằng những hành động của tôi đã dẫn đến cái chết của hàng trăm binh sỹ miền Bắc Việt Nam và có lẽ là nhiều dân thường vô tội nữa. Vì vậy, khi  trở về, chúng tôi mang theo cái mà tôi gọi là sự xung đột về mặt đạo đức, giữa những gì chúng tôi được dạy dỗ khi còn nhỏ và những gì chúng tôi không được phép làm khi trưởng thành".


 Sau khi trở lại Mỹ, Robert dành 3 năm tu học tại một trường dòng và trở thành linh mục, theo cách mà ông nói là để sám hối và chuộc lỗi. Robert tin rằng cuộc chiến tại Việt Nam đã giúp ông chiêm nghiệm cuộc sống và học hỏi nhiều điều về các mối quan hệ, về tính nhân văn của con người.


Hiện nay, Robert là Giám đốc điều hành Hiệp hội Cha tuyên uý trong quân đội Mỹ với nhiệm vụ giúp đỡ về tâm lý cho các cựu chiến binh cũng như các quân nhân đang tại ngũ và gia đình họ. 40 năm qua, Robert vẫn đau đáu với ý nguyện mà ông chưa thực hiện được là tới thăm lại Việt Nam.


 "Lẽ ra chúng tôi cần thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngay sau khi cuộc chiến kết thúc để có thể xây dựng và phát triển tình hữu nghị trong hòa bình. Điều đó đã kéo dài quá lâu. Tôi rất vui vì vấn đề đó đã được giải quyết và Việt Nam đã tái thống nhất. Cách đây vài năm, vợ tôi mua cho tôi một chiếc áo sơ mi. Khi về nhà, tôi nhìn tấm mác gắn đằng sau thì thấy dòng chữ “được sản xuất tại Việt Nam”. Đó chính là sự khác biệt giữa quá khứ và hiện tại. Bộ quần áo lần trước tôi mặc được sản xuất tại Việt Nam chính là bộ đồng phục sọc đen trắng trong tù. Thực sự, tôi muốn đến Việt Nam cùng với  vợ tôi. Tôi nghĩ đó sẽ là cơ hội để thực hiện một sự kiện cuối cùng trong đời mình, một sự kiện có hậu. Cháu trai của vợ tôi đã nhận 2 trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Vì vậy mà giờ đây tôi đang có một gia đình từ Việt Nam. Tôi muốn trở lại Việt Nam để biết mọi người ở đó giờ ra sao và để hiểu rõ hơn về hành trình đi đến hòa bình của người dân Việt Nam./.   

Nhật Quỳnh - Huy Hoàng, PV Đài TNVN thường trú tại Mỹ
Tin liên quan

Phản hồi

Vo Xuan Thao

That xuc dong khi doc bai bao nay.

Các tin/bài khác