APPF 26: Tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với Biến đổi khí hậu

(VOV5) - Rất nhiều nơi trên thế giới đã và đang chứng kiến những bất thường của thời tiết, thiên tai, thảm họa nhiều hơn.

APPF 26: Tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với Biến đổi khí hậu - ảnh 1

Ảnh minh họa

Ứng phó với biến đổi khí hậu là nội dung trọng tâm trong phiên thảo luận các vấn đề hợp tác phát triển trong khu vực sáng 20/1, trong khuôn khổ APPF 26.

Biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà thực sự đã hiện hữu. Rất nhiều nơi trên thế giới đã và đang chứng kiến những bất thường của thời tiết, thiên tai, thảm họa nhiều hơn. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không có biên giới. Vì vậy nỗ lực hạn chế những tác nhân có hại cũng như khắc phục hậu quả và phòng ngừa phải được thực hiện ở quy mô toàn cầu là quyền lợi và trách nhiệm của mọi quốc gia, nền kinh tế.

APPF 26: Tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với Biến đổi khí hậu - ảnh 2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Phương Hoa /TTXVN

Phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam cho rằng: "Mỗi quốc gia cần tạo dựng hành lang pháp lý, các thiết chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với các điều ước quốc tế, Công ước, các nghị định thư. Chúng ta cần sự chung tay chia sẻ giữa các quốc gia. Các nước đang phát triển cần hỗ trợ của các quốc gia phát triển không chỉ về tài chính mà còn về tri thức, kinh nghiệm. Chúng ta cũng cần thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ".

Theo bà Loren B. Legarda, Trưởng đoàn đại biểu Philippines, khu vực châu Á - Thái bình dương vẫn là khu vực hứng chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới. Dự báo từ năm 2015 – 2030, khu vực này sẽ phải hứng chịu khoảng 40% thiệt hại do thiên tai toàn cầu gây ra.Vì vậy cùng với các chính phủ, APPF cần phải thể hiện 1 vai trò rõ nét hơn trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.

"Chúng ta cần có hành động mạnh mẽ hơn, cần lồng ghép các chương trình để phối hợp giảm thiểu rủi ro thiên tai. Cần hướng tới 1 khung pháp lý phù hợp với chương trình. Trong đó có cam kết về thực hiện thỏa thuận Paris kết hợp với mục tiêu phát triển bền vững và khung hành động Sendai. Nếu kết hợp cả những yếu tố này và thực hiện phân bổ ngân sách ưu tiên cho chống biến đổi khí hậu thì chắc chắn rằng cuộc sống của những người bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu sẽ tốt hơn" - bà Loren nói.

Cũng trong sáng nay, các đại biểu thảo luận về các nguồn lực cho phát triển bền vững; đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực.

Cuối giờ chiều nay, diễn ra lễ bế mạc APPF 26. Các đại biểu thông qua các nghị quyết và Tuyên bố chung.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác