Cần thiết ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

(VOV5) - Đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với việc ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Cần thiết ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - ảnh 1

Quang cảnh phiên họp - Ảnh: Quang Vinh/daidoanket.vn

Sáng 20/11, tại Hà Nội, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với việc ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Các đại biểu cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, có quy mô, mật độ dân số lớn nhất, trung tâm kinh tế lớn nhất, thu nhập đầu người cao nhất và là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước. Nhưng cơ chế chính sách hiện hành không tạo điều kiện cho thành phố Hồ Chí Minh phát huy các tiềm năng lợi thế. Do đó, có cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển của cả nước.

Ông Nguyễn Thái Học, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên góp ý: “Trong những cơ chế chính sách đặc thù giành cho thành phố Hồ Chí Minh có nội dung giải quyết được yêu cầu cấp bách trước mắt như tăng nguồn lực, đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện, đường giao thông. Có những nội dung đòi hỏi thời gian, lộ trình triển khai. Dù trước mắt hay lâu dài, dù thuận lợi hay khó khăn thì là những việc làm cần ưu tiên, để sớm thành phố triển khai thực hiện thí điểm”.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh chọn thành phố Hồ Chí Minh để tạo cho cơ chế đặc thù phát triển thành phố cũng chính là tạo động lực phát triển kinh tế của đất nước nói chung. Ông Dương Minh Tuấn, đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng: “Một cơ chế mới tháo gỡ để thành phố Hồ Chí Minh vượt lên là rất cần thiết trong thời điểm này. Lực lượng doanh nghiệp thành phố lớn nhất cả nước, có đóng góp bằng 1/3 thu ngân sách. Do vậy, tôi thấy cần thiết khi ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, theo đó, phân cấp phân quyền mạnh hơn cho Hội đồng nhân dân thành phố”.

Chiều 20/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; thảo luận về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ (sửa đổi).

Đa số đại biểu tán thành việc cần thiết ban hành Luật Đo đạc và bản đồ, phục vụ có hiệu quả về phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Các đại biểu nhận định trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, đo đạc và bản đồ với tư cách là ngành khoa học kỹ thuật mang tính chuyên sâu, cần ứng dụng khoa học công nghệ, nên việc sửa đổi và nâng tầm pháp lý để nâng tầm đo đạc và bản đồ là yêu cầu cấp bách. Có ý kiến đề nghị bổ sung 3 nguyên tắc tuân thủ quy ước quốc tế, kế thừa sản phẩm lịch sử và nguyên tắc chia sẻ dùng chung vào trong luật.

Phản hồi

Các tin/bài khác