Chuyện về nhà Việt Nam học E.P.Glazunov - người bạn lớn của nhân dân Việt Nam

(VOV5) - Ông E.P Glazunov, Nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga- Việt có rất nhiều kỷ niệm đối với nhiều người Việt Nam 
Ngày 16/7/2019, lễ tang ông E.P Glazunov, Nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga- Việt, diễn ra ở Matxcova; và tiếp đến ngày 17/7/2019 lại là lễ tang của Thượng tướng A.I.Khiupenhen. Đó là hai người bạn lớn của nhân dân Việt Nam. Họ có rất nhiều kỷ niệm đối với nhiều người Việt Nam từ những cán bộ cao cấp của nhà nước đến những sinh viên, lưu học sinh Việt Nam cả trong nước và ở Liên bang Nga.
Riêng đối với tôi, một người Việt nhỏ bé, bình thường, trong nhiều năm sống ở Matxcova, cũng có một vài kỷ niệm với hai người Nga đáng kính đó.

Chuyện về nhà Việt Nam học E.P.Glazunov  - người bạn lớn của nhân dân Việt Nam - ảnh 1Người có nhiều năm gắn bó với Việt Nam : nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt E.P Glazunov. - Ảnh tư liệu 

Cuối năm 1996, khi về nước, ra hiệu sách Ngoại văn, tôi thấy bày bán quyển “Những ngày bão táp” (Бурные дни) của ông E.P Glazunov được dịch ra tiếng Pháp. Vì trên giá sách của tôi đã có bản tiếng Nga, nên ban đầu tôi chỉ có ý định mua sưu tầm, nhưng sau đó tôi nẩy ra ý định là biết đâu một hôm nào đó gặp ông ở Matxcova tôi sẽ tặng ông. Khi nhận quyển sách tôi tặng nhân dịp Quốc khánh Việt Nam tổ chức tại Đại sứ quán, ông xúc động lắm. Ông nói là, nghe nói quyển sách này đã được dịch ra tiếng Pháp, nhưng nay tôi mới có trong tay. Quyển sách này là tấm lòng của tôi dành cho Việt Nam.

Hàng năm ở Matxcova, có rất nhiều ngày lễ của Việt Nam: ngày Quốc khánh 2/9, Ngày sinh nhật Bác, ngày kỷ niệm quan hệ ngoại giao, năm mới, và rất nhiều chuyến thăm viếng của các đoàn cán bộ cao cấp sang Nga. Những ngày đó, Đại sứ quán và cộng đồng đều tổ chức đặt hoa tại tượng đài của Bác trên phố Dmitri Ulianov, và ở đó, tôi thường xuyên gặp ông. Suốt nhiều năm, tôi thuê nhà trên phố đó, chỗ nhìn ra tượng Bác. Mỗi lần sau lễ đặt hoa, bao giờ tôi cũng mời ông, Thượng tướng A. I. Khiupenhen và ông N.N.Kolexnik, Chủ tịch Hội cựu chiến binh và chuyên gia Nga công tác tại Việt Nam lên nhà và uống trà xanh Việt Nam. Và sau này, mỗi khi ông đi qua, về lại, hoặc là ghé thăm tôi, hoặc là ghé quán Nems.

Chuyện về nhà Việt Nam học E.P.Glazunov  - người bạn lớn của nhân dân Việt Nam - ảnh 2 Lễ tang của ông E.P.Glazunov 

Có một lần, hè năm 1998, tôi nhớ rõ năm đó, vì là năm khủng hoảng lớn tại Nga, bà Irina Petrovna, Tổng thư ký Hội Nga Việt, mời tôi đến thăm văn phòng Hội. Tôi thật sự ngỡ ngàng vì khác với sự hình dung trước đó của mình. Hội Hữu nghị Nga Việt lúc này là một căn phòng 24 m2 nằm dưới tầng hầm của ngôi nhà số 10 phố Znamenka gần Metro Novui Arbat, cùng với văn phòng của 32 Hội Hữu nghị các nước khác. Bày Irna phân trần, nếu như trước đây, thời Liên Xô, cơ ngơi của Hội bề thế bao nhiêu, thì bây giờ khiêm tốn bấy nhiêu. Trong phòng có một chiếc bàn dài cũ kỹ, chừng chục chiếc ghế gỗ, hai tủ sách, một chiếc tivi Xô viết cồng kềnh, một chiếc điện thoại bàn đặt trên bàn làm việc. Trên tường treo chân dung Hồ Chủ tịch và nhiều tờ lịch Việt Nam.

Bà Irina ngỏ ý, là nếu tôi có quan hệ với một doanh ngiệp Việt Nam nào đó mà họ hỗ trợ cho một phương tiện làm việc thì tốt. Bà dặn tôi đừng nói gì với Evghenhi (Ông Glazunov) nhé!
Tôi đem câu chuyện đó trình bày với Lãnh đạo Tổng công ty Bến Thành, ngay lập tức họ quyết định ủng hộ 5000 đô la để mua sắm trang thiết bị cho Hội.

Tôi nhờ anh Nguyễn Hồng Lĩnh, thư ký của Bến Thành, nhận tiền và mua về cho Hội một chiếc máy tính, một máy Fax, một máy photo coppi, một bộ bàn ghế và một chiếc tivi Nhật. Hôm mang lên văn phòng Hội, anh Nguyễn Bá Anh, lúc đó là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cũng có mặt. Ông Glazunov phấn khởi hệt như một cậu học sinh, sờ tận tay các thiết bị mới tinh và nhờ anh Nguyễn Hồng Lĩnh hướng dẫn cách sử dụng.

Cũng vào năm đó, có hai người bạn của tôi, là sĩ quan cấp tá trong quân đội. Các anh rất muốn sang Nga, nhưng hiềm nỗi là sĩ quan thì xuất ngoại rất khó, phải có một cơ quan có tầm cỡ mời, coi như là một sự đảm bảo mới được Bộ Quốc phòng cho phép. Tôi đem chuyện này nói với ông Glazunov, ông chỉ hỏi tôi có mỗi một câu, là họ sang để làm gì? Tôi trả lời là họ yêu nước Nga, chỉ sang để thăm nước Nga!

Ông nói, thế là đủ, và không căn vặn gì thêm, ông yêu cầu bà Irina đánh máy và ông đóng dấu gửi ba Giấy mời về Việt Nam cho họ, trong đó có giấy mời cho Giáo sư Đinh Văn Đức, nhưng rất tiếc, đợt đó anh Đinh Văn Đức bận không sang được.

Dường như mỗi khi có các cuộc hội ngộ, chúng tôi đều mời ông và ông ít khi từ chối. Cả lần trong sự kiện tôi được vinh danh nho nhỏ, ông biết được, dù ở rất xa, ông vẫn mang hoa đến tặng.

Mỗi lần tôi về nước sang, gặp ông, ông đều ghé tai hỏi: Thế quà của tôi đâu? Tôi bảo đùa là Việt Nam chỉ có mỗi cà phê Trung Nguyên và chè Thái thôi! Tặng ông, ông cầm cho mình vui lòng, chứ ông không hút thuốc, không cà phê, chỉ uống chè và thỉnh thoảng trong bữa ăn nhâm nhi chút rượu.

Sau này, anh Nguyễn Đình Hoàng và tôi mỗi khi định mời ông đến thăm đều phải cân nhắc, sợ ông tuổi cao, sức yếu, ngộ nhỡ đường sá xa xôi có chuyện gì xẩy ra thì lại ân hận.

Lần gần đây nhất, khi tôi trong nước sang, doanh nhân Hoàng Văn Vinh biếu ông một khoản tiền giúp ông bồi dưỡng, tôi bị đau không đến gặp ông được, đành nhờ ông V.P. Buianov, Chủ tịch Hội Nga Việt chuyển hộ. Gọi điện cho ông Glazunov, ông còn nói đùa, có món gì của Việt Nam anh để dành cho tôi đấy nhé!
Tôi không ngờ rằng đó là câu nói cuối cùng của ông với tôi qua điện thoại.

Thế mà giờ đây, con người Nga nhân hậu đó, yêu Việt Nam hết lòng đã đi vào cõi vĩnh hằng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác