COP 23 sẵn sàng bàn cách thực thi hiệu quả Hiệp định khí hậu Paris

(VOV5) -Hội nghị lần thứ 23 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 23) chính thức khai mạc ngày 06/11, tại thành phố Bonn của Đức.

195 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng thảo luận về việc thực hiện kế hoạch toàn cầu chống hiện tượng ấm lên toàn cầu, đồng thời tìm cách chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch trong thế kỷ này với một bước chuyển sang năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các loại năng lượng sạch khác.

COP 23 sẵn sàng bàn cách thực thi hiệu quả Hiệp định khí hậu Paris - ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị ( Ảnh Vtv.vn) 

Hội nghị lần thứ 23 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP23) là Hội nghị COP đầu tiên kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donal Trump quyết định nước này rút khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, và cũng là lần đầu tiên, Fiji - một quốc đảo nhỏ trên Thái Bình Dương, làm Chủ tịch Hội nghị.

Trong tuyên bố tóm tắt mục tiêu của hội nghị, Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama nhấn mạnh thế giới không còn thời gian để lãng phí trước sự chịu đựng của con người do bão, lũ cháy rừng, hạn hán, đe dọa an ninh lương thực gây ra do tác động của biến đổi khí hậu. Chủ tịch Hội nghị COP 23 mong muốn các nước có hành động khẩn cấp để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Môi trường Đức Barbara Hendricks thông báo Đức sẽ tăng đóng góp đối với Quĩ thích nghi với vấn đề biến đổi khí hậu thêm 50 triệu euro. Đây là dấu hiệu cho thấy Đức đang muốn sát cánh cùng các quốc gia đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu.

Trong 12 ngày, từ ngày 06 -17/11, các đại diện của 195 quốc gia thảo luận về các quy định trong việc triển khai Hiệp định Pais về chống biến đổi khí hậu được ký năm 2015. Theo văn kiện này, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19). Đây là ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng sẽ giúp Trái Đất tránh được những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng và bão lớn.

Cũng tại COP 23, các quốc gia thành viên công ước khung của Liên hiệp quốc sẽ thống nhất những điểm quan trọng, chi tiết về quy trình, thủ tục, hướng dẫn các quy định thực hiện Thỏa thuận Paris để có thể thông qua tại COP 24 vào năm sau.

Cụ thể, những nội dung quan trọng cần thống nhất gồm: giảm nhẹ, đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); thích ứng, tăng cường năng lực, hỗ trợ tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu; chuyển giao công nghệ, khung minh bạch về hành động và hỗ trợ… Đoàn đàm phán của các quốc gia sẽ thảo luận những nội dung này tại các phiên đàm phán kỹ thuật.

Biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả đối với con người cũng như nền kinh tế. Theo kết quả một nghiên cứu do các chuyên gia tổng hợp, năm ngoái, thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại kinh tế lên tới 129 tỷ USD.

Con số này được dự báo sẽ còn tăng tiếp tục tăng khi tình trạng biến đổi khí hậu làm gia tăng hạn hán và bão lũ trên thế giới. Do đó, trước thềm hội nghị, các chuyên gia về khí hậu cảnh báo rằng các nước phải nhanh chóng nâng mục tiêu cắt giảm lượng khí thải nhằm duy trì nhiệt độ toàn cầu trong giới hạn an toàn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác